- Dù có 65 di tích quốc gia và hơn 1.000 di tích văn hoá khác vẫn chưa đủ tiền để duy tu, bảo tồn song tỉnh Vĩnh Phúc vẫn bỏ ra gần 300 tỉ đồng ngân sách Nhà nước để xây dựng một công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc hoành tráng.

Hình ảnh Văn Miếu trị giá gần 300 tỷ ở Vĩnh Phúc

Hình ảnh công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc trị giá gần 300 tỉ đồng.

Điều đáng nói là hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có rất nhiều dự án phục vụ cho an sinh, xã hội đang “khát vốn”; hệ thống bệnh viện quá tải, xuống cấp hết sức nghiêm trọng.

Tuy nhiên, dường như những dự án rất cấp thiết này không được quan tâm bố trí nguồn vốn.

Xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử

Đặt trên một ngọn đồi thoải dốc, Văn Miếu Vĩnh Phúc trải rộng trên một diện tích hơn 4 ha. Công trình được xây dựng công phu, kiên cố với vật liệu là đá và gỗ, chạm trổ điêu khắc theo lối truyền thống.

{keywords}

Theo quyết định phê duyệt đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 10-2011, công trình xây dựng tại Khu đô thị Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, chủ đầu tư là Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 270,9 tỉ đồng.

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, Văn Miếu Vĩnh Phúc về cơ bản đã xây dựng xong hầu hết các mạng mục. Tuy nhiên, kết cấu cách bày trí, sắp xếp của công trình này khiến người ta liên tưởng ngay đến Văn Miếu- Quốc Tử giám Hà Nội.

Công trình Văn Miếu này có Tứ Trụ, Cầu Đá bằng đá xanh Thanh Hoá; Nghi môn bằng gỗ Lim kiểu thượng song hạ bản, hoa văn rồng phượng; có nhà bia tổng 3 tầng mái, gỗ lim với bia đá đặt trên lưng rùa; có hồ Thiên Quang lan can bằng đá khối chạm trổ văn hoa sen cách điệu; 2 nhà bia tả- hữu gồm 9 gian, mái gỗ lim đặt bia đá trên lưng rùa; có Đại thành ôn gồm 3 gian gỗ lim trang trí theo lối “Cá chép vượt vũ môn”; gác chuông, gác trống; đi sâu vào trong là sân hành lễ rộng gần 3.000 mét và đền thờ chính (bao gồm Đại bái, hậu cung)...

Tờ trình của Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở VH-TT-DL nêu rõ lý do xây Văn Miếu: Đây là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn Miếu. Ngoài thờ đức Khổng Tử, Văn Miếu Việt Nam còn là nơi đào tạo nhân tài; thờ các danh nhân văn hoá dân tộc như Chu Văn An, Trương Hán Siêu…

Theo các tài liệu liên quan, tỉnh này cho rằng việc xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc cần thiết nhằm tái hiện, kế thừa một di tích lịch sử quan trọng; tưởng niệm các danh nhân văn hoá đạo cao đức trọng của Vĩnh Phúc và tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc, của người Vĩnh Phúc.

Dự kiến, hai hàng bia sẽ khắc tên 99 cụ đại khoa, trung khoa của tỉnh Vĩnh Phúc có công lớn với đất nước. 

Gây tranh cãi

Hơn 65 di tích Quốc gia và 1.000 di tích của tỉnh vẫn “đói” ngân sách bảo tồn

Theo thông tin từ Sở VH-TT-DL, hiện Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích, trong đó có 65 di tích quốc gia. Ngân sách không đáp ứng được, chủ yếu dành cho di tích quốc gia, còn lại là xã hội hoá. Hầu hết các di tích quốc gia có ngân sách của tỉnh, còn di tích địa phương thì do bà con địa phương đóng góp chủ yếu.

Đáng chú ý, ông Trần Mạnh Định cho biết, nguồn tiền ngân sách dành cho các di tích hiện tại của Vĩnh Phúc đang rất thiếu.

Đem câu hỏi tại sao Vĩnh Phúc lại bỏ số tiền lớn để xây Văn Miếu tới ông Trần Mạnh Định, Giám đốc Sở VH - TT - DL tỉnh Vĩnh Phúc thì ông này cho hay: “Khi tôi làm Giám đốc Sở thì Văn Miếu đang xây dựng rồi… Cũng như ở Hà Nội, dân ở xa đến thì phải vào lăng viếng Bác rồi đi thăm các công trình văn hoá, trong đó có Văn Miếu, rồi học sinh trước khi đi thi ĐH cũng vào sờ đầu rùa… Văn Miếu Vĩnh Phúc cũng xây dựng một công trình như vậy”.

Hiện, Sở này đã thành lập Ban quản lý Văn Miếu với khoảng 10 người hưởng lương ngân sách như 1 đơn vị sự nghiệp. Dự kiến, khi chính thức hoàn thành vào cuối năm 2015, sẽ mở hoạt động dịch vụ, thành nơi tham quan cho người dân, mục đích giáo dục truyền thống. 

Trả lời việc Văn Miếu ở Vĩnh Phúc có nhiều điểm tương đồng, na ná với Văn Miếu- Quốc Tử Giám ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc cho hay, kết cấu xây dựng một nơi thờ tự là tương đối giống nhau, cũng khó làm khác được!

Theo ông Tuấn, trước khi xây dựng, Vĩnh Phúc có tham khảo ở Hà Nội và các nơi khác.

Về ý kiến của người dân khi xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc, ông Trần Mạnh Định cũng nói thêm, trong quá trình xây dựng và sau này đã có một số tranh cãi.

“Trong thiết kế, bài trí thờ tự ở phần cuối là bài vị Khổng Tử, tuy nhiên khi xây dựng gần xong thì có ý kiến không đưa bài vị của Khổng Tử vào thờ nên vẫn đang tranh cãi. Cái gì không ổn thì tổ chức hội thảo để làm rõ” - ông Định cho hay.

Việc Vĩnh Phúc “hào phóng” bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng Văn Miếu trong khi rất nhiều công trình bệnh viện, y tế đang xuống cấp nghiêm trọng vì “khát” vốn khiến dư luận bất ngờ.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (vừa nghỉ hưu ngày 30.5.2015) cho rằng: Hiện dự án này có rất nhiều dư luận gây tranh cãi về việc có cần thiết phải đầu tư hay không; thờ những ai trong Văn Miếu? Cũng theo ông Hùng, có quá nhiều công trình đang rất “khát” vốn trong thời gian tỉnh quyết định đầu tư dự án Văn Miếu.

{keywords}
Hình ảnh tại Văn Miếu Vĩnh Phúc

“Thời điểm hiện tại, hệ thống bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang quá tải và xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là bệnh viện đa khoa và bệnh viện Nhi. Người bệnh Vĩnh Phúc 15 năm nay vừa chữa bệnh, vừa phải nghe khoan cắt bê tông. Bệnh viện chắp vá và quá tải. Đã có dự án xây dựng bệnh viện rồi, nhưng vẫn chưa bố trí được nguồn vốn” - ông Hùng nói.

Báo Motthegioi dẫn lời Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống: việc Vĩnh Phúc xây dựng công trình na ná như Văn Miếu ở Hà Nội và có chi phí xây dựng khá lớn, gây tốn kém tiền của thì điều đó cần phải xem xét lại, kể cả số tiền đó là tiền xã hội hóa đi chăng nữa. 

Và nếu số tiền gần 300 tỉ đó mà là tiền ngân sách nhà nước thì điều đó lại càng có lỗi với các thế hệ mai sau, khi xây dựng một di tích dựa trên một nền tảng cũ và đã có mức đầu tư lớn lao. Trong khi đó ở Vĩnh Phúc còn có rất nhiều các công trình lịch sử đã xuống cấp nhưng lại không được chú ý và tu bổ. 

Hoàng Sang