– Nhiều địa phương chưa áp giá viện phí mới do vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng đã xảy ra hiện tượng “móc túi” người bệnh dưới hình thức đưa vào cơ cấu giá những yếu tố rất phi lý!

>> Viện phí: Thu giá mới, chất lượng không đổi!
>> Từ hôm nay đồng loạt áp viện phí mới
>> 'Viện phí tăng một đồng cũng chết người nghèo!'

Đưa vào cơ cấu giá nhiều yếu tố vô lý


Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, giá viện phí mới hiện vẫn tiếp tục được hơn 10 địa phương còn lại rà soát trước khi HĐND phê duyệt. Tuy nhiên, có thực trạng là các địa phương đưa vào cơ cấu tính giá rất nhiều yếu tố vô lý.

Cụ thể: Phẫu thuật ruột thừa (nội soi) thuộc phẫu thuật loại 1, thực tế chỉ cần dùng từ 3-4 gói chỉ nhưng các bệnh viện khi xây dựng cơ cấu giá đưa vào đến tận 12 gói chỉ, khiến chi phí riêng cho tiền mua chỉ đã lên tới 1,2 -1,5 triệu đồng (chiếm gần một nửa tổng chi phí cho cả ca phẫu thuật). Như vậy là phi lý.

Nhiều địa phương đưa vào cơ cấu giá viện phí những yếu tố vô lý hoặc đưa ra mức giá quá cao

Điều đáng nói là việc đưa vào kỹ thuật những vật tư tiêu hao với số lượng thừa thãi, không cần thiết như trên xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương.

Một ví dụ điển hình xảy ra tại bệnh viện Trung ương Huế. Theo cơ cấu viện phí của bệnh viện này thì một lần siêu âm màu ở bệnh viện này cần tới 2 đôi găng tay (mỗi đôi 4.150 đồng), 2 tờ giấy lau cho bác sỹ (mỗi tờ 1.250 đồng), 2 tờ giấy lau cho bệnh nhân (500 đồng/tờ), 2 khẩu trang (1.199 đồng/cái), mũ giấy cần đến 3 cái (mỗi cái 1.199 đồng)!

Không được thu thêm đồng nào của người bệnh

Cơ sở khám chữa bệnh không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong cơ cấu giá và được cấp thẩm quyền phê duyệt (trừ các chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá, phần đồng chi trả (5-20%) theo quy định của người bệnh có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu).

(Trích điểm 6.2, công văn 2210 ngày 16/4/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện giá viện phí mới)

Ngoài ra, một lần siêu âm nội soi tại bệnh viện này cần tới những 7 cái mũ, 9 cái khẩu trang, 9 đôi găng tay!?

Bên cạnh việc đưa vào cơ cấu giá quá nhiều vật tư tiêu hao như trên, các địa phương còn xây dựng giá cho các vật tư này rất chênh lệch và ở mức cao.

Ví dụ: Cùng là khẩu trang nhưng tại bệnh viện TW Huế, dịch vụ siêu âm nội soi dùng loại khẩu trang 1.400 đồng/cái, còn dịch vụ siêu âm tim, mạch máu màu lại dùng khẩu trang loại 1.199 đồng/cái.

Cũng tại bệnh viện này, phí giấy in siêu âm tim, mạch máu dùng giấy in loại 3.000 đồng/tờ, siêu âm nội soi chỉ cần dùng hai tờ giấy in giá 200 đồng/tờ. Có bệnh viện riêng tiền mực in đã lên tới 16.000 đồng/bệnh nhân/khám.

Ông Lê Văn Phúc, trưởng phòng BHYT (Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN) thì tình trạng đưa vật tư tiêu hao vào với số lượng cao và với mức giá cao đang diễn ra phổ biến ở các địa phương.

“Nếu giá cao hơn bình thường một chút thì không sao, nhưng cao hơn hẳn các bệnh viện hoặc địa phương cùng khu vực thì cần phải có ý kiến”, ông Phúc nói.

Theo BHXH VN, Bộ Y tế đưa ra định mức chung để xây dựng giá viện phí nhưng các địa phương khi xây dựng giá cho các đơn vị của mình phải phân biệt cụ thể từng kỹ thuật. Ví dụ: cùng là phẫu thuật loại 1 nhưng phẫu thuật dạ dày khác ruột thừa và khác phẫu thuật mắt, không thể máy móc khi thực hiện.

Tiếp tục rà soát để điều chỉnh bất cập

Theo ông Lê Văn Phúc, trưởng phòng BHYT (Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN), hiện nay chưa có thống kê chính xác xem có bao nhiêu tỉnh, thành trong cả nước bắt đầu áp giá viện phí mới từ 1/8. Tuy nhiên, công tác rà soát, kiểm tra vẫn tiếp tục được triển khai trên diện rộng để kịp thời chấn chỉnh những điểm bất cập.

Cụ thể: Đối với các tỉnh đã thực hiện viện phí mới (đặc biệt là các bệnh viện ở địa phương phê duyệt giá viện phí cao như Cao Bằng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Tháp) thì việc theo dõi, giám sát sẽ được thực hiện ngay để có thể phát hiện bất cập, trình HĐND trong kỳ họp vào cuối năm.

Đối với các địa phương đã xây dựng giá nhưng chưa phê duyệt, công tác rà soát vẫn tiếp tục tiến hành.

Việc rà soát, giám định này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh các địa phương chưa “rõ ràng” khi xây giá viện phí, đồng thời người bệnh BHYT phải đồng chi trả 5-20%. Nếu không có biện pháp kiểm soát, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng lớn tới người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo.
 
Không phải dịch vụ nào cũng dễ kiểm soát

Theo ông Phúc, một dịch vụ thường xuyên được sử dụng là giường bệnh hiện đang có cái khó trong việc kiểm soát thu chi. Bởi có bệnh nhân sáng mổ thì nằm một mình, nhưng đến chiều đã nằm đôi, sau đó có thể lại phải nằm ghép đến 3 người/giường. Như vậy, sẽ tính toán thế nào để thu tiền giường bệnh cho hợp lý?

Theo quy định, hiện nay nếu bệnh nhân nằm một mình một giường (có đầy đủ các điều kiện đi kèm như ga, đệm, …) thì bệnh viện được thu 100% giá phê duyệt. Nhưng nếu nằm 2 sẽ giảm một nửa, nằm 3 sẽ chỉ được thu 1/3 của bệnh nhân.

Bên cạnh giường bệnh thì chuyện mỗi phòng khám chỉ được khám tối đa 35 bệnh nhân/ngày (cùng các yếu tố khác về điều hòa, máy hút bụi, …) mới đảm bảo tiêu chuẩn để được thu mức giá tối đa được duyệt nhưng hiện nay, các phòng khám hầu như hoạt động với công suất gấp đôi, gấp 3. Như vậy, không thể thu tối đa giá được phê duyệt.

Cẩm Quyên