- “Phước ơi, anh nhớ em trong buổi chiều lộng gió…Tin rằng máu chảy về tim, ngày mai hết giặc, gió im anh lại về”. Nếu chỉ đọc qua, ai cũng sẽ nghĩ đó là những câu thơ lãng mạn lúc chiến trường tạm im tiếng súng. Nhưng không, đằng sau những câu thơ này là một sự 'ghi công' vợ sâu nặng của vị tướng.

Trực tiếp khai thác tướng ngụy

Ông ngồi kể với chúng tôi khi khắp phố phường Sài Gòn đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà rưng rưng nhớ về ký ức hào hùng của mình.

Đã ở tuổi xưa nay hiếm, những ký ức đôi khi trở nên rời rạc, nhớ nhớ quên quên với vị tướng tài. Có lúc ngắt quãng, không thể nhớ nổi. Nhưng có lúc, mọi chuyện 40 năm qua cứ thế ùa về...

“Sau khi Nha Trang được giải phóng, Sở chỉ huy của cánh quân chúng tôi áp sát Diên Khánh. Trong lúc đó, sư đoàn 10 chuyển hướng lên Tây nguyên, quân đoàn 2 cùng tiến song song theo quốc lộ 1. Chữ thần tốc bắt đầu có từ đó…”.

{keywords}

Sau một thời gian thần tốc hành quân ngày đêm, quân ta tiến từ 3 phía (quân đoàn 2 theo hướng quốc lộ 1, sư đoàn 10 hướng Tây Nguyên và trung đoàn 25 quân khu 5 tiến từ hướng Tây xuống). Tất cả đều khẩn trương, hừng hực chuẩn bị cho trận đánh cuối.

Và vào thời điểm then chốt đó, các cánh quân lại nhận thêm được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung lịch sử: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng".

Ông kể tiếp, cũng trong ngày 7-4, cánh quân Duyên Hải xuất phát từ Đà Nẵng, tiến về phía Nam, ngày 14-4 đánh Phan Rang.

10 giờ ngày 16-4, ta làm chủ thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Lúc này, ông điện về Cục tác chiến thông báo: Đã bắt được trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, đại tá cố vấn Mỹ J.Lơ-uýt cùng nhiều sĩ quan khác của ngụy.

Sau đó, đích thân ông khai thác tại chỗ và tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được đưa ngay ra miền Bắc.

Viết về thời khắc này, tài liệu của Cục tác chiến sau này thông tin: Thời điểm này, Tổ Thường trực trong Sở chỉ huy Cơ bản đang khẩn trương nghiên cứu phương án tác chiến chiến dịch Sài Gòn-Gia Định trong tình huống chiến dịch diễn ra nhanh và cả trong tình huống chiến dịch phải kéo dài đến hết mùa mưa.

Theo gợi ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổ tập trung nghiên cứu về: phương án hình thành thế bao vây, chia cắt địch về chiến lược, chiến dịch; khả năng tiêu diệt địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm vào nội đô; trận then chốt là ở đâu? Thọc sâu vào thành phố từ hướng nào? Biện pháp khống chế sông Lòng Tàu, kênh Chợ Gạo, sân bay Biên Hoà, sân bay Tân Sơn Nhất? Sử dụng máy bay của địch đánh các mục tiêu trong thành phố và cách chặn đường địch chạy ra biển?...

Lúc này, tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi cũng khai: lực lượng phòng thủ (của ngụy) đã bị căng rất mỏng, lực lượng dự bị rất ít. Trong nội đô Sài Gòn chỉ có lực lượng cảnh sát và phòng vệ dân sự.

Hướng hiểm yếu là từ Gò Dầu Hạ - Trảng Bàng. Trên hướng đông, quân ngụy có thể phá các cầu để chặn bước tiến của ta. Các kho đạn lớn, địch bố trí ở Nhà Bè, Cát Lái. Long Bình chỉ là kho tiếp liệu. Các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hoà, Cần Thơ, nhất là Biên Hòa nơi có các máy bay F5, A37 cường kích...

Qua điện của ông Lê Phi Long, Cục Tác chiến nắm được một số ý quan trọng trong lời khai của tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi. Đó là, Nghi khai: "Chúng tôi đang ở thế yếu. Cách phòng thủ Sài Gòn là phòng thủ từ xa, vòng cung từ Gò Dầu Hạ, Lai Khê, Biên Hoà, Xuân Lộc, lực lượng mỗi hướng có khoảng 1 sư đoàn. Nội đô không có chủ lực, không tổ chức phòng ngự kiên cố. Nếu các ông diệt được lực lượng án ngữ vòng ngoài, khống chế và làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hoà và chiếm được 2 mục tiêu là Bộ Tổng Tham mưu và trại Hoàng Hoa Thám của quân dù thì Sài Gòn sụp nhanh".

Ông Long cũng khai thác được về cách đánh các sân bay qua lời tướng ngụy Vĩnh Nghi: "Muốn khống chế sân bay, dùng pháo bắn từng đợt cũng tốt, nhưng trong lúc này chúng tôi sợ nhất lối bắn liên tục kéo dài của các ông. Cứ 15-30 phút bắn 1 đợt, mỗi đợt vài phát vào 2 đầu đường băng. Như vậy thợ máy không dám ra bảo dưỡng và lắp bom, máy bay không cất cánh được".

Đây là những thông tin được đánh giá là cực kỳ quan trọng mà Cục tác chiến có được, qua tài khai thác của ông Lê Phi Long sau khi bắt được tướng Nghi...

Dừng lại một chút, Thiếu tướng Lê Phi Long không giấu nổi xúc động, tự hào: “Không thể ngờ rằng chúng ta đã làm được điều phi thường trong khoảng thời gian gấp rút như thế. Ta đưa hơn 6 vạn quân vượt qua 96 cầu cống, chinh phục vô số các tuyến phòng thủ, căn cứ của địch. Lúc này, chiến thắng đang ở rất gần rồi...”.

Hỏi ông nhớ nhất điều gì, vị tướng già bảo ông nhớ mãi sự giúp sức của nhân dân cho quân đội. Nếu không có nhân dân thì không thể có cuộc chiến thắng vĩ đại này.

Ông kể, khi cánh quân của ông tiến đến Quy Nhơn, xe bộ đội gần hết xăng, nhân dân ở đó biết được, mang xăng ra giúp. Rồi lần đầu vào miền Nam, quân ta gặp nhiều bỡ ngỡ. Có những gia đình tình nguyện đi theo hỗ trợ bộ đội.

“Trên đường Nam tiến, nhân dân giúp bộ đội nhiều lắm, máu nhân dân đổ nhiều lắm. Tôi không thể quên rất nhiều gia đình bỏ cả nhà cửa đi theo bộ đội Nam tiến. Chồng lái xe, vợ nấu cơm, con làm lơ xe. Khi đánh tới Nha Trang, súng đạn thương vong tan tác, chẳng biết ai còn ai mất. Nghĩ tới đó tôi ân hận lắm, vì chưa làm gì đáp nghĩa được cho nhân dân. Chiến thắng này là của nhân dân. Tôi muốn nhắc điều này để cho thế hệ mai sau biết và không bao giờ được quên được!" - ông xúc động.

Ngày mai hết giặc, gió im…anh về

“Phước ơi, anh nhớ em trong buổi chiều lộng gió…Tin rằng máu chảy về tim, ngày mai hết giặc, gió im anh lại về”.

Đây là những dòng thơ Thiếu tướng Lê Phi Long viết từ chiến trường cho người vợ ở quê nhà. Nếu chỉ đọc qua, ai cũng sẽ nghĩ đó là những câu thơ lãng mạn lúc chiến trường tạm im tiếng súng.

{keywords}
Những vần thơ ông Long viết cho vợ mình

Nhưng không, đằng sau những câu thơ này là một sự 'ghi công' vợ sâu nặng của vị tướng.

Tự hào nói về vợ, ông bảo sự nghiệp vẻ vang của mình có được là nhờ một hậu phương vững chắc. Và tới nay, ở tuổi xế chiều, tướng Long vẫn luôn dành cho người vợ hiền thảo một vị trí đặc biệt thiêng liêng trong trái tim.

“Chúng tôi có cuộc tình duyên không ly kỳ, 'hồn bướm mơ tiên' hay 'lâm ly sầu thảm' như Thúy Kiều – Kim Trọng. Thế nhưng chúng tôi đã yêu nhau, vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhất là thời kỳ chiến tranh. Tôi là người lính, thường xuyên xa nhà nên gánh nặng gia đình đè cả lên đôi vai gầy yếu của vợ. Sự nghiệp của tôi quá nửa do công vợ vun đắp nên…”, Thiếu tướng Lê Phi Long chia sẻ.

Ông kể, đám cưới mình không mâm cỗ, bánh trái. Chỉ có mỗi trầu cau và nước trà xanh với điếu thuốc lào. Vợ chồng ông chẳng kịp chuẩn bị gì. Chăn màn, chiếu gối cũng phải mượn của chị dâu.

Cưới vợ không được bao lâu, giữa năm 1966, ông được lệnh đi B (vào Nam), để lại gánh nặng gia đình lên vai người vợ trẻ.

Thiếu tướng Long không giấu nổi xúc động khi nhớ lại những thiệt thòi, vất vả mà vợ mình phải chịu đựng: “Năm 1968, vợ tôi sinh con thứ 4 trong hoàn cảnh chồng đi chiến đấu xa, không người thân, tiền bạc. Cô ấy nằm mê mệt suốt một ngày trong phòng sản không ai biết, chẳng có chút gì ăn lót lòng. Sinh con xong chưa đầy tháng, vợ tôi lại ngày ngày địu con lội bộ 4 – 5 km đi làm dưới sự uy hiếp của bom đạn máy bay Mỹ. Cứ thế, qua một ngày thì mới biết sống được một ngày…”.

Sự vất vả cứ lần lượt trút lên đôi vai của bà Phước. Năm 1973, sau chiến dịch Quảng Trị, mất gần 1 năm ông Long bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người.

Ông được người thân, đồng đội đưa đi chữa bệnh hơn nửa năm ở trong nước, hết bệnh viện rồi lại về nhà. Các con còn nhỏ, chồng gặp bạo bệnh, bao tủi cực một mình vợ ông chịu đựng. Vậy mà, bà Phước vẫn hết lòng hết dạ lo cho chồng, con.

“Cô ấy thổ lộ rằng mong sao anh sống em hầu, để các con còn có cha, em còn có chồng, có chút lương để nuôi các con đến tuổi trưởng thành là được. Khổ mấy em cũng chịu. Tấm lòng vợ tôi thật cao quý làm sao!”, Thiếu tướng Long ngậm ngùi.

Ngày toàn thắng rồi cũng đến, đất nước hòa bình, gia đình Thiếu tướng Lê Phi Long được sống bên nhau nhiều hơn.

Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ, ông lại phải đi lại thường xuyên khắp nơi nên việc nuôi dạy con cái chủ yếu do vợ quán xuyến.

Vị tướng nhận định: “Vợ tôi cũng như bao người vợ chiến sĩ Việt Nam khác, không có câu chữ nào ca ngợi nổi công đức của họ. Người phụ nữ Việt Nam can trường, chịu đựng, vượt qua mọi thử thách, nhất là phải xa vắng chồng khi tuổi còn xuân. Đó là một điều cao cả!”.

Thanh Huyền