Chiều nay (16/12), Công an TP.HCM đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Tất Thành Cang - nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.

Qua mặt Thành ủy, cho phép IPC giảm vốn tại Sadeco

Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM (tháng 10/2018) Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.

{keywords}
Ông Tất Thành Cang đọc quyết định khởi tố, bắt tạm giam 

Đáng nói, trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm có lúc lên đến 40%, vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) (chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Nhưng trên thực tế, IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.

Từ việc phớt lờ đó, IPC đã trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đồng thời, IPC cũng nêu việc “Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.

Cụ thể, tại văn bản 730/IPC (ngày 16/6/2017 của IPC) báo cáo UBND TP, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco với việc phát triển khu Nam Sài Gòn có nêu: “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM đã phản bác vấn đề này khi cho rằng, cụm từ “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương…” là không chính xác vì Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017 chỉ truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực Thành ủy (khi đó là ông Tất Thành Cang - PV).

Gây thiệt hại 153 tỷ đồng

Khi thanh tra vào cuộc thì đã muộn, với chủ trương chấp thuận của ông Tất Thành Cang, IPC đã tiến hành giảm sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống còn 28% thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá.

{keywords}
Trụ sở Sadeco

Đặc biệt, sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.

Theo Thanh tra TP, bản chất vụ này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp.

Thanh tra TP cho rằng, việc làm này là “trái quy định pháp luật” dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.

Thanh tra TP cũng khẳng định, vốn huy động từ việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến nay vẫn chưa sử dụng (gửi tiết kiệm thời hạn 18 tháng tại ngân hàng thương mại cổ phần) cho thấy việc đề xuất chỉ định phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim để huy động vốn đầu tư cho các dự án là không đúng với thực tế.

Tại thời điểm đề xuất, Sadeco chưa có nhu cầu thực sự tăng vốn điều lệ. Nghiêm trọng hơn, Công ty Nguyễn Kim không công khai, minh bạch trong việc mua bán cổ phần với công ty khác, cho thấy Công ty Nguyễn Kim “đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này (Sadeco) với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông".

“Những việc như trên cho thấy, việc giảm tỷ lệ góp vốn của IPC tại Sadeco có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, cần được làm rõ”, kết luận Thanh tra ghi.

Trong phần kiến nghị, Thanh tra TP cũng yêu cầu chuyển vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ xử lý vụ việc này.

Ông Tất Thành Cang bị khởi tố

Ông Tất Thành Cang bị khởi tố

Công an TP.HCM vừa có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang - nguyên Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM.

Phong Thuận