Bất cứ ai khi qua kỳ nghỉ mát ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng đều lắc đầu, lè lưỡi: Giá cả hàng hóa, dịch vụ quá đắt! Thế nhưng, đi sâu tìm hiểu chính những người kinh doanh kiểu "chặt chém" mới hay, họ cũng từng là… nạn nhân. Và để bù lại gánh nặng tài chính, họ đổ tất cả lên đầu du khách!
Ngột ngạt và đắt đỏ
Bỏ tiền ra để đến Sầm Sơn, hầu như ai cũng mong tìm được một không gian thoáng đãng nhằm nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, tránh xa cuộc sống xô bồ, chen chúc nơi đô thị. Thế nhưng, dọc các con đường ken kín khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, hàng lưu niệm. Dọc các bãi biển thì đầy ắp nhà hàng, kiốt chen chân cùng với đội ngũ bán hàng rong... Lượng người đông đúc càng khiến cho nơi đây ngột ngạt hơn. Quản lý cả một đội quân hỗn hợp ấy là việc khó khăn với chính quyền sở tại. Chưa kể, cũng giống với khá nhiều khu du lịch biển ở nước ta, những người "làm du lịch" ở Sầm Sơn cũng là "dân nghiệp dư" mùa vụ. Đa phần những người trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch lại là những người vừa buông tay cuốc, tay cày, tạm gác thuyền bè tranh thủ 3 tháng hè đi làm du lịch.

Tuy nhiên, cái "nghiệp dư" đó có thể chấp nhận được. Song cách kinh doanh kiểu chụp giật, “cắt cổ” thì du khách khó mà chấp nhận với những người được coi là "chân lấm tay bùn". Bằng chứng là, được coi như "xứ dừa miền Bắc" nhưng quả dừa ở đây được bán với giá 30.000 đồng, cao gấp 3 lần những nơi nổi tiếng đắt đỏ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Phở, bún, mỳ tôm, cháo ngao... lèo tèo vài lát thịt, mấy con hải sản cũng "đồng hạng" với giá 30.000 - 40.000 đồng/bát. Nhiều quán cà phê niêm yết giá một đằng nhưng lúc tính tiền lại một nẻo. Khách thắc mắc thì họ trả lời rằng "Bảng giá đó là cũ, nhà hàng chưa kịp thay". Còn nữa, người ta viện ra đủ lý do khác để thu tiền khách như không đưa vào thực đơn những thứ "phục vụ ngoài", khách phải trả thêm vì vị trí ngồi... Các loại hàng ăn mang hương vị biển như cua, ghẹ, mực thì dù mỗi nhà hàng một giá nhưng nhìn chung mức giá cũng cao gấp nhiều lần nơi khác, dù chất lượng thì dở tệ.

Hơn 200 triệu đồng cho 2 tháng… "chém"

Rất nhiều du khách đã bất bình với việc bị "chặt chém" khi đến Sầm Sơn. Thế nhưng, có đi sâu tìm hiểu mới biết cái sự đắt đỏ đó cũng có nguyên do của nó. Dọc bãi biển Sầm Sơn hiện có trên 30 ki-ốt được UBND thị xã Sầm Sơn cho các hộ kinh doanh thuê để bán  hàng giải khát và các  loại hình dịch vụ du lịch khác.

Theo các hộ kinh doanh thì mức giá năm nay có giảm hơn năm trước, nhưng họ cũng phải nộp tới vài trăm triệu đồng. Một chủ ki- ốt ở bãi B (chúng tôi không nêu tên) cho biết, ông đã phải đấu thầu ki- ốt với giá 230 triệu đồng/3 năm, đóng một lần. Đây được coi như khoản tiền xây dựng ki- ốt. Ngoài ra mỗi một mùa, ki- ốt này còn phải đóng thêm 35 triệu đồng tiền vệ sinh, an ninh trật tự; 5 triệu đồng phí quản lý; 15 triệu đồng phí bến bãi; 74 triệu đồng tiền thuế; 3 triệu đồng tiền hỗ trợ ...khai trương hè. Tổng cộng các khoản trên lên tới 132 triệu đồng/mùa.
Giá được niêm yết đi xe điện quanh thị xã Sầm Sơn là 15.000 đồng/chặng, nhưng các tài xế lại tính cứ qua 1 ngã ba là 1 chặng để tính tiền. (Ảnh: Vnmedia)

Với giá thuê đắt đỏ như vậy trong khi mùa du lịch ở Sầm Sơn chỉ tập trung trong khoảng 50 ngày khiến nhu cầu "hoàn vốn" trở thành vấn đề nóng bỏng đối với các chủ ki - ốt. Tất nhiên chẳng có chủ ki - ốt nào chịu lỗ, các khoản phí có lớn đến đâu, tất cả sẽ được đổ lên đầu du khách. Vì vậy, ngoài tâm lý “mài dao chặt chém” đã thành thói quen của một số người ở Sầm Sơn thì việc địa phương thu các khoản thuế, phí quá cao cũng là nguyên nhân khiến du khách phải chịu đựng giá cả đắt đỏ.

Nhân viên môi trường kiêm… "an ninh"?

Cũng theo phản ánh của người bán hàng tại một số ki-ốt ở biển Sầm Sơn, các khoản thu nói trên còn có rất nhiều bất cập. Cụ thể như trước đây, trong giai đoạn từ 2009 đến 2011, Công ty CP Môi trường đô thị Sầm Sơn  thuê các vệ sỹ để làm công tác an ninh, các ki-ốt phải đóng tiền trả lương. Vì nhiều bất cập xảy ra nên nay đã giải tán đám vệ sỹ này, thay vào đó là đội bảo vệ trật tự gồm 35 người, nằm rải rác ở... các ki-ốt (?!). Các chủ ki ốt cho biết việc điều người của Công ty CP Môi trường đô thị xuống làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự, vừa là sự lạ, lại vừa vô lý. Nếu có mâu thuẫn nhỏ thì người của các ki- ốt sẽ tự giải quyết được, nếu “to hơn” thì có lực lượng công an xử lý, cần gì đến nhân viên môi trường?

Không phủ nhận rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự "chặt chém" du khách của các hộ kinh doanh như lạm phát, giá cả leo thang. Thế nhưng, góp phần vào sự "chặt chém" ở Sầm Sơn còn có cả tâm lý của người kinh doanh "tận thu để bù chi" những khoản thuế, phí rất lớn từ chính quyền nơi đây. Đó sẽ là một tổn thất lớn về mặt thương hiệu cho ngành du lịch nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng.

"Ép" dân vào Công ty Môi trường?

Các hộ kinh doanh cho biết, cách đây khoảng 7 năm, chính quyền sở tại tổ chức cho các hộ dân đấu thầu các ki-ốt kinh doanh ngoài bãi biển, với thời hạn là 5 năm, mỗi ki ốt có khoảng từ 20-40 lao động góp cổ phần. Hoạt động được 3 năm, thì chính quyền yêu cầu các chủ ki-ốt phải trở thành thành viên của Công ty CP Môi trường đô thị Sầm Sơn(?!). Gọi là tự nguyện, nhưng ai cũng phải chấp nhận, nếu không phải ra khỏi ki-ốt, đồng nghĩa với việc không được kinh doanh tại bãi biển.

Theo GĐ&XH