CLIP: NGƯỜI DÂN DỰNG CHỐT, RÀO ĐƯỜNG BẢO VỆ VÙNG VẢI AN TOÀN

Năm 2020, doanh thu từ vải thiều mang lại cho huyện Lục Ngạn 7.000 tỷ đồng. Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, năm nay sản lượng vải tăng, chất lượng cũng tăng và dự kiến giá trị cũng sẽ tăng. 

Còn ba tuần nữa là đến thời điểm thu hoạch vải thiều nhưng nay là lúc tỉnh Bắc Giang căng mình chặn dịch. 

Những ngày qua, người dân các xã Hồng Giang, Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Quang… của huyện Lục Ngạn triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn vùng vải sắp đến ngày thu hoạch.  

Ngoài việc thiết lập các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các trục đường liên thôn, liên xã, bà con còn lấy cành rào các con đường lên đồi vải để ngăn người lạ lên.

{keywords}
Ông Hoàng Văn Bảo (thôn Ngọt, xã Hồng Quang) bên đồi vải sắp thu hoạch 

Đồi vải của ông Hoàng Văn Bảo (thôn Ngọt, xã Hồng Giang) có 140 gốc cây cổ thụ tuổi đời 20 - 30 năm. Những gốc vải thiều thuần chủng của gia đình ông sắp đến ngày thu hoạch, khoảng 3 tuần tới sẽ chín rộ 

Ông ước tính, năm nay được mùa, sẽ cho thu hoạch khoảng chục tấn vải. Nếu được giá, vườn vải của ông đem lại nguồn thu cả trăm triệu đồng.

Khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, người dân vùng vải đã có nhiều biện pháp để bảo vệ đồi vải an toàn, trong đó có việc lấy cành cây rào kín từ ngay đầu con đường dẫn lên đồi.

“Chúng tôi cũng rất lo, sợ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới việc bao tiêu quả vải trong mùa thu hoạch năm nay. Tỉnh, huyện đã có nhiều phương án để người dân yên tâm sản xuất, nhưng vẫn rất lo lắng” - ông Ngọt trầm ngâm.

{keywords}
Vải thiều Lục Ngạn năm nay được mùa, dự báo sẽ cho sản lượng lớn hơn năm 2020

Chủ tịch xã Hồng Giang Bùi Đức Văn cho biết, diện tích trồng vải toàn xã là 521ha. Năm 2020, vải mất mùa, cả xã đạt sản lượng 3.000 tấn quả. Năm nay, ước đạt 5.000 tấn. Quả vải là nguồn thu kinh tế chủ lực của xã, mỗi năm mang lại doanh thu khoảng 100 tỷ đồng.

Dự đoán tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc bao tiêu vải tươi có thể khó khăn, xã đã xây dựng phương án khuyến khích người dân xây dựng lò sấy để làm vải khô. Mỗi một lò sấy vải, hỗ trợ kinh phí cho chủ lò 2 triệu đồng.

Năm 2021, diện tích vải thiều trên địa bàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều.

Vành đai bảo vệ vùng vải

Trong các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động thực hiện phương án không để các F1 cách ly tại Lục Ngạn mà cách ly tập trung tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh.

{keywords}
Ông Bảo lấy cành rào rào đường bảo vệ đồi vải gia đình khỏi người lạ tới 

Mục tiêu, Bắc Giang nhằm bảo vệ vùng vải an toàn, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh dịch tễ để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết, tỉnh cũng có văn bản xin Chính phủ chủ trương, cấp visa cho 190 thương nhân người nước ngoài được nhập cảnh thu mua vải thiều tại đây.

Bắc Giang dự kiến vụ vải năm 2021 sẽ đạt kết quả cao cả về năng suất, sản lượng và chất lượng, thời gian thu hoạch vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch từ ngày 20/5-10/6, vải chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6- 20/7.

Phương án cụ thể, Bắc Giang thiết lập “vành đai bảo vệ” vùng sản xuất vải thiều an toàn trong tỉnh, lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung, bao gồm kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện ra vào. 

{keywords}
Chốt kiểm soát do người dân dựng lên với tên gọi "Chốt kiểm dịch bảo vệ vùng vải an toàn" 
{keywords}
Người dân Lục Ngạn lập chốt, rào đường bảo vệ đồi vải

Tiến hành lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các mã số vùng trồng vải, các trang trại, các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải phải đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19; kiểm tra y tế đối với các cơ sở đóng gói, sơ chế vải thiều.

Lái xe và phương tiện tham gia vận chuyển cũng được kiểm tra y tế; lấy mẫu xét nghiệm cho các lái xe, khi có kết quả âm tính sẽ cấp giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền và cho lưu hành.

Lấy mẫu xét nghiệm với các nhân công lao động từ các địa phương khác đến tham gia thu hái vải thiều, đóng gói, vận chuyển vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, Bắc Giang cũng xây dựng 3 kịch bản có thể xảy ra khi diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. 

 

3 kịch bản thu hoạch vải thiều của Bắc Giang:

Kịch bản 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% còn lại xuất khẩu.

Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến; xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.

Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn.

Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…

Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Chủ tịch Bắc Giang: Không có chuyện F0 vạ vật, thiếu ăn trong khu cách ly

Chủ tịch Bắc Giang: Không có chuyện F0 vạ vật, thiếu ăn trong khu cách ly

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thông tin trên mạng xã hội về chuyện không được hỗ trợ trong vùng dịch là thất thiệt, đi ngược với chủ trương chống dịch của tỉnh.

Kiên Trung - Vũ Điệp - Đình Hiếu