- Quân hàm, lương, phụ cấp đặc biệt, nhà ở công vụ...là những ưu đãi được đưa ra nhằm thu hút người tài vào làm quân nhân chuyên nghiệp trong bối cảnh quân đội ngày càng đòi hỏi nhân lực có trình độ trí tuệ cao. 

Dự thảo luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đưa ra các chế độ, chính sách mang tính đặc thù để thu hút người giỏi vào quân đội.

Đọc tờ trình trước UBTVQH hôm nay, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng QĐND VN, Thứ trưởng Quốc phòng, cho hay, hiện nay quân đội được Đảng, nhà nước trang bị nhiều vũ khí, khí tài quân sự mới, hiện đại đòi hỏi quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trong quá trình quản lý, sử dụng, làm chủ và sửa chữa, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự phải có trình độ, tay nghề, có tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo cao.

{keywords}

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: TTXVN

Với tính chất là ngành lao động đặc biệt, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho hay cần chính sách về tiền lương để giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Dự thảo quy định tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được tính theo chức danh, trình độ đào tạo.

 Bên cạnh đó được hưởng phụ cấp thâm niên; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm UB Nguyễn Kim Khoa góp ý cho rằng lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật),

Một số ý kiến cho rằng quy định về phụ cấp thâm niên chưa phù hợp. Phụ cấp trách nhiệm cần được quy định rõ hơn cũng như chính sách nhà ở phải phù hợp với quy định tại luật Nhà ở.

Nhận định về điểm này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lấy ví dụ trường hợp vận động viên bơi lội Ánh Viên được đào tạo từ "cái nôi" quân đội để chỉ ra với ưu đãi cao, người giỏi sẽ cố gắng vào hết quân đội chứ không ở bên ngoài.

Nâng trần quân hàm để hút người tài

Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi tại sao quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp chỉ đến Thượng tá và tuổi nghỉ hưu là 56 với nam, 55 với nữ? Nếu thu hút được những người trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ thì có thể lên đến quân hàm Đại tá không?

Thiếu tướng Tô Viết Báo, cục trưởng Cục quân lực, bộ Quốc phòng giải thích bảng lương quân nhân chuyên nghiệp có 12 bậc và người đạt mức lương 12/12 cũng đạt đến quân hàm Thượng tá. Quá trình thực hiện lâu nay không vướng và thực tế chưa có trường hợp nào được thăng lên Đại tá.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cũng phân tích: "quân nhân chuyên nghiệp là lực lượng phục vụ cho chỉ huy nên cấp quân hàm phải khác. Đồng chí chuyên nghiệp đủ điều kiện thì đã có cơ chế chuyển sang sĩ quan chỉ huy”. 

Trước nay cũng không lấy học hàm, học vị tính vào quân hàm, ông Tỵ trả lời về đề nghị bổ sung quy định cấp bậc quân hàm Đại tá cho các giáo sư, tiến sĩ.

Tuy vậy, một số ý kiến cho trong UB Thường vụ QH vẫn cho rằng nên cân nhắc nâng trần quân hàm để thu hút và trọng thị người tài trong quân đội. 

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói: "Có người không thích thành giáo sư mà thích Đại tá vì truyền thống gia đình thì sao?".

Nhiều ý kiến đồng tình đưa cả hai phương án ra để QH xem xét, chứ không nên bó hẹp như dự thảo luật. 

Chung Hoàng