- “Anh em chúng tôi bảo nhau mong Đại tướng còn sống đến dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng tiếc là Người đã ra đi, ước mong đó sẽ mãi không thành hiện thực” - Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng thông tin chia sẻ với VietNamNet.


Sáng 20/3, tại TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã khai mạc hội thảo cấp nhà nước “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức. 

Các cựu binh - nhân chứng sống của chiến dịch lịch sử - đã chia sẻ tại đây một phần những thông tin quý giá và sinh động về cuộc chiến này cũng như cảm xúc đặc biệt về người “kiến trúc sư” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nay đã không còn.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng thông tin lúc đó là tiểu đoàn phó, chỉ huy đội thông tin vô tuyến điện, liên lạc với các đơn vị trong Điện Biên Phủ và tất cả các chiến trường khác.

{keywords}
Thiếu tướng Nguyễn Diệp xem lại bức ảnh cuối ông cùng 10 đồng đội chụp với Đại tướng ngày 7/5/2009. Ngày 7/5 tới, ông sẽ vào Quảng Bình viếng mộ Người

Khi tham gia vào chiến dịch này, tướng Nguyễn Diệp mới 25 tuổi. Kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay đã 60 năm, ông đã trở lại Điện Biên Phủ 4 lần.

Chân đã yếu, mắt đã mờ, nhưng ký ức về cuộc chiến cũng như về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nguyên vẹn trong tâm tưởng ông.

Chia sẻ với VietNamNet, ông cho biết lần nào về lại chiến trường xưa ông cũng bồi hồi xúc động, đặc biệt là khi đến viếng những đồng đội của mình đã ngã xuống trong cuộc chiến và đang yên nghỉ tại nghĩa trang Độc Lập (xã Thanh Nưa, TP Điện Biên Phủ).

“Những ngôi mộ phần lớn là vô danh. Mỗi lần về đây cảm xúc khó tả lắm … Mình còn may mắn sống sót được qua mấy cuộc chiến tranh và ngày hôm nay còn đến viếng được đồng đội, lúc nào tôi cũng ghi nhớ công ơn của những người đã nằm xuống”, ông nói.

Lần trở lại Điện Biên Phủ năm nay sau 60 năm, tướng Nguyễn Diệp mang trong lòng sự tiếc nuối vì “người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã không còn”.

Ông cho biết: “Anh em cựu binh chúng tôi bảo nhau mong Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống đến dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng tiếc là Người đã ra đi, ước mong đó sẽ mãi không thành hiện thực”.

Hồi ức sống động

Nói đến đây, những kỷ niệm của ông về Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng như kỷ niệm về cuộc chiến lại ùa về. Đó là kỷ niệm về lần sửa máy thu thanh cho Đại tướng, được Đại tướng ký giấy khen vì có thành tích bảo vệ được kho thiết bị không thiệt hại…

Nhưng trong suốt cuộc đời, khoảnh khắc thăng hoa nhất và không bao giờ quên là khi ông nhận được tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vang dội.

“Làm công tác thông tin nên tôi là một trong những người đầu tiên biết tin tướng Đờ-cát và binh lính Pháp bị bắt giữ. Lúc đó tất cả vỡ òa sung sướng, reo hò phấn khích. Chiến thắng xong 2 ngày thì tôi đi bộ từ Sở chỉ huy Mường Phăng về hầm tướng Đờ-cát, lúc đó cả chiến trường ngổn ngang, đi qua từng mét vuông đất đều có vỏ bom, súng đạn”, ông nói.

Lần cuối cùng Thiếu tướng Nguyễn Diệp được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào ngày kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2009) cùng với 10 chiến sĩ thông tin Điện Biên năm xưa. Lúc này Đại tướng đã yếu và sau lần gặp này 3 tháng, Đại tướng phải vào viện điều trị.

Hồi ức sống động về chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục được nối dài trong phần phát biểu và chia sẻ của các cựu binh khác tham dự hội nghị.

Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng tham mưu về tổng kết chiến tranh cho biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người “không hạn chế người báo cáo”, nghe báo cáo rồi hỏi rất sâu về những chi tiết mà chính người báo cáo cũng không nghĩ tới. Với người có ý kiến khác mình, sau cuộc họp Đại tướng sẽ gặp riêng để hỏi thêm chứ không bao giờ gạt đi.

Đại tá Giong cũng nhấn mạnh: Chiến dịch Điện Biên Phủ đã sáng tạo ra nhiều phương pháp chiến đấu mới làm địch bất ngờ, không thể đối phó được nhờ thực hiện dân chủ quân sự đầy đủ.

“Khi lính Pháp bị bắt, họ bảo từ khi quân ta có bắn tỉa thì không thể sống nổi, cứ ra khỏi hầm là bị bắn nên mọi sinh hoạt của quân địch như ăn ở, đi vệ sinh đều diễn ra trong hầm, vô cùng khốn khổ”, Đại tá Giong nói.

Cẩm Quyên