- Hầu hết phát biểu tại các tổ Hà Nội, Hưng Yên, Cần Thơ, Đà Nẵng nhất trí với dự thảo luật về việc tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách từ 25% lên 35%.

Thảo luận ở tổ về luật Tổ chức QH sáng nay, ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị luật nên quy định theo hướng bổ sung số lượng đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa, trong đó ấn định cụ thể tỷ lệ phần trăm cho số lượng đại biểu chuyên trách TƯ và địa phương.

Ông cũng kiến nghị dự thảo cần định lượng cụ thể thời gian hoạt động cũng như bổ sung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu không chuyên trách trước, trong và sau kỳ họp.

Tán thành việc nâng số đại biểu chuyên trách từ 25% đến 35%, song ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng nên để quy định mở đối với vấn đề này cho phù hợp với từng thời kỳ và nhu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của QH.

{keywords}

ĐBQH Hà Nội Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Phạm Hải

Theo Trưởng đoàn Hà Tĩnh Võ Kim Cự, ĐBQH phải thực sự có trí tuệ. "Dù cơ cấu thì người đó vẫn phải thực sự có năng lực trí tuệ, vì công việc của QH là xây dựng và điều chỉnh các bộ luật, tránh tình trạng chưa ban hành đã lỗi thời".

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN, lại thấy cơ cấu quan trọng nhất là nam - nữ: Số lượng ĐB nữ quá ít, khiến các vấn đề của phụ nữ ít được quan tâm.

Làm ra tấm ra miếng

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng cần quy định rõ hơn về việc tiếp xúc cử tri: Cử tri phản ánh nhiều ĐB TƯ ít về địa phương.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Đình Quyền (ĐB Hà Nội) lại muốn đưa khái niệm điều trần vào luật: "Các nước khác đã làm từ lâu rồi. Ta cứ nói là giải trình, chất vấn nhưng thực chất nếu là điều trần thì tính phản biện sẽ cao hơn, sẽ làm rõ hơn những kẽ hở của pháp luật từ đó tăng tính giám sát của QH".

ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa thì băn khoăn về một quy định mới: Công dân có thể được vào dự thính các phiên họp công khai của QH.

"Quy định chung chung thế này, không có điều kiện gì, ai tổ chức, thì liệu có thực hiện được không?", bà Hòa nói.

Theo ĐB Võ Kim Cự, đây là một hướng mở rộng dân chủ, nhưng "phải có quy định cụ thể, chứ chung chung như thế, hoặc là chẳng ai vào hoặc ai vào cũng được".

Các ĐB muốn dự thảo luật này đưa ra thảo luận rộng rãi tại các hội nghị, hội thảo, có sự tham gia của các chuyên gia, để "ra tấm ra miếng".

C.Hoàng - C.Quyên