Từ sở thích sưu tầm, chăm sóc và thú chơi các loài chim quý như trĩ, sâm cầm, công... anh Trần Nhữ Giáp (ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh, Lý Nhân, Hà Nam) đã xây dựng trang trại nuôi sinh sản và bảo tồn “Vườn Chim Việt” với nhiều loài chim quý hiếm, gia súc, gia cầm, thủy cầm từ nhiều nước trên thế giới như một cơ duyên.

Gặp gỡ anh Giáp vào một buổi trưa thời tiết khá gay gắt, ấn tượng về “tỷ phú vườn chim” là một người mộc mạc, tỉ mỉ, yêu các loài chim như chính cuộc sống của mình. Trò chuyện với anh về quá trình làm nên mô hình vườn chim tạo tiếng vang lớn như hiện nay, cảm nhận được ở anh một niềm đam mê lớn lao dành cho việc nuôi sinh sản và bảo tồn các loài chim quý hiếm.

{keywords}

Anh Trần Nhữ Giáp.

Từ “tay ngang” thành chuyên nghiệp

Cái ngày anh Trần Nhữ Giáp bén duyên với nghiệp xây dựng trại nuôi và nhân giống các loại chim quý cũng hết sức tình cờ. Khi các loại chim anh nuôi làm cảnh trong nhà như chim trĩ, sâm cầm lần lượt đẻ trứng. Việc xây dựng chuồng, trại cho chim ấp con và sinh trưởng anh đã phải tự mày mò sách vở, lên mạng nghiên cứu tài liệu và rồi nhân rộng mô hình nuôi chim quý ra thành trang trại.

Năm 2004 anh hình thành mô hình trang trại đầu tiên tại xóm Đòng. Sau đấy, anh tiếp tục mở thêm cơ sở hai lấy tên là “Khu sinh thái Vườn Chim Việt” tại xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Tại cơ sở này, anh bắt đầu nuôi, cho sinh sản và nhân giống trên 30 loài chim, gia cầm, thủy cầm quý hiếm dưới sự cố vấn của các nhà khoa học hàng đầu trong ngành sinh học.

Nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào nghề, anh đã phải tự tìm tòi các tài liệu khoa học về nuôi và chăm sóc chim để nghiên cứu, dịch các sách hướng dẫn ở nước ngoài để tự đúc rút ra kinh nghiệm cho mình.

Anh Giáp chia sẻ: “Hồi đấy vì chưa có nhiều người biết và nghiên cứu đến các giống chim quý nên tôi phải tự học hết. Cũng chính vì tình yêu và niềm đam mê lớn dành cho các giống loài quý hiếm mà đến nay tôi có thể chữa được đến 90% các bệnh thông thường của gia cầm, thủy cầm và chim”.

Gieo thành công cho nhiều người

Cuối năm 2008, sau khi nhân giống chim trĩ đầu đỏ thành công như ý muốn, anh Giáp quyết định mở rộng quy mô trang trại. Đến nay trang trại rộng lớn của anh Giáp có hơn 30 loài chim quý với số lượng lên đến hàng nghìn cá thể. Trong đó có các loài quý hiếm như: chim công ngũ sắc, chim trĩ đỏ, chim trĩ xanh, chim trĩ Nhật Bản, vịt uyên ương, gà lôi trắng, chim sâm cầm. Đây đều là những loại nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam, giờ đây đã được anh Giáp nuôi cho sinh sản và nhân giống ở mô hình rộng lớn.

{keywords}

Một giống chim quý được nuôi, nhân giống trong trang trại của anh Giáp.

Sau khi thành công, anh Giáp quyết định giới thiệu, chia sẻ mô hình trang trại nuôi và sinh sản các loài giống chim quý đến nhiều hộ dân trên cả nước. Đến nay, anh đã đưa mô hình trang trại này đến với hơn 60 hộ dân trải từ Bắc vào Nam và giải quyết việc làm cho hàng trăm người. Theo kinh nghiệm của anh Giáp, những loại chim quý này nuôi không khó mà lại cho thu nhập rất cao.

Thức ăn, chế độ chăm sóc của chúng cũng giống như đối với chăn nuôi gà ta, chủ yếu là thóc và ngô, với những chim đòi hỏi dinh dưỡng cao thì bổ sung thêm cám. Chỉ có một điều đặc biệt là chuồng trại phải có nhà lưới, thép bao bọc cho chúng khỏi bay mất. Ban đầu, anh Giáp cung cấp giống miễn phí cho người dân, như một sự hỗ trợ đối với những gia đình muốn làm giàu mà không có vốn.

Sau đó anh đến trực tiếp từng hộ dân nhận giống của mình “cầm tay chỉ việc”, khuyên họ nên xây dựng mô hình chuồng trại nào, nên nuôi giống nào, chăm sóc làm sao cho hợp lí. Khi những hộ dân gặp khó khăn vì giống nuôi bị bệnh, nhẹ thì anh hướng dẫn chữa gián tiếp, nặng thì anh về tận nơi để chữa trị…

Ước mơ đưa mô hình của mình đến khắp nơi trong cả nước của anh Giáp nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Người ta tìm đến anh nhờ giúp đỡ, bày tỏ muốn làm cùng anh như một sự mong mỏi thay đổi cuộc sống của mình. Anh nhiệt tình giúp đỡ, sẻ chia vì với anh đó là “gieo thành công cho mọi người”.

(Theo Baophapluat)