Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 30/129 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 13,4 tiêu chí/xã.

Hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện và ngày càng khang trang. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn toàn tỉnh Tuyên Quang.

{keywords}
Tuyên Quang: Nông thôn đã thực sự “mặc áo mới”

Theo báo cáo tổng kết, nhờ xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê ở Tuyên Quang đã có sự thay đổi nhanh chóng. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng 3.890 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 316 công trình thủy lợi, 900 km kênh mương, nâng tỷ lệ kênh kiên cố hóa đạt 73,74%, đảm bảo tưới chủ động 96% diện tích.

Có 964 công trình trường học các cấp (trường học, phòng học và công trình phụ trợ) được xây dựng, trang cấp thiết bị cho 108 điểm trường các cấp; hoàn thành xây dựng 1.218 công trình văn hóa, với 50/129 xã có nhà văn hóa và sân thể thao đạt chuẩn, 1.281/1.790 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Có 59/97 chợ nông thôn được xây mới, sửa chữa, nâng cấp theo quy hoạch.

Hệ thống siêu thị mini, cửa hàng kinh doanh tiện lợi, cửa hàng tổng hợp hiện đại ngày một phát triển. Toàn tỉnh có trên 10.000 căn nhà được xây dựng, chỉnh trang đạt chuẩn theo quy định. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới đạt 98,43%. Tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2018 còn 15,38%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt khoảng 28,4 triệu đồng/người/năm...

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2019 là 14.729,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ là 853,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương đã bố trí 1.181,4 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn vốn hợp pháp. Đặc biệt, tại các địa phương nhân dân chủ động tham gia đóng góp hàng triệu ngày công, hàng nghìn mét vuông đất, nguyên vật liệu và gần 1.300 tỷ đồng, tạo ra nguồn lực to lớn để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã rà soát hiện trạng nông thôn, thành lập Ban Chỉ đạo các cấp về xây dựng nông thôn mới; phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đơn vị, đoàn thể.

Bên cạnh đó, tỉnh cụ thể hóa bộ tiêu chí quốc gia trong xây dựng nông thôn mới. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn về chủ trương, định hướng và chính sách trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa, môi trường, giáo dục theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2019 là trên 14.729 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1.300 tỷ đồng, chiếm trên 8,6%.

Sau nông thôn mới, Tuyên Quang đã ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh đã lựa chọn 2 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao là Mỹ Bằng (Yên Sơn) và Tràng Đà (TP Tuyên Quang); 2 xã Kim Quan và Thái Bình (Yên Sơn) được lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngoài mục tiêu thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, tỉnh phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 57% số xã (tương đương 72 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; không có xã dưới 10 tiêu chí. Đồng thời, nâng cao chất lượng tiêu chí tại 41 xã đã đạt chuẩn; phấn đấu có từ 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyên Quang đặt mục tiêu, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.   

Bài: Nguyễn Thị Hà Sơn - nhóm PV
Ảnh: Phạm Duy Linh - nhóm PV