- "Nguyên nhân dẫn đến việc tượng Phật bị đổ là do phần mái chùa được gia cố yếu, sử dụng sắt thép cỡ nhỏ nên không chịu được sức nặng của bức tượng" – thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình.

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Công an tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân dẫn đến bức tượng Phật 26m đang thi công thì đổ sập hoàn toàn là do sử dụng sắt nhỏ, yếu trong quá trình thi công.

{keywords}
Tượng Phật lớn nhất Thái Bình bị đổ sập do sử dụng sắt yếu để thi công phần mái đỡ. (Ảnh: Trọng Đức).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tượng Phật bị đổ là do phần mái chùa được gia cố yếu, sử dụng sắt thép cỡ nhỏ nên không chịu được sức nặng của bức tượng.

Phần đầu bức tượng có khối lượng rất nặng, ngược lại phần thân tượng chưa được gia cố chắc chắn nên khi trần của tòa Chánh điện bị sụt đã dẫn đến tượng Phật nghiêng và đổ sập.

Trước đó, chiều 7/7, bức tượng Phật đang thi công tại chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm - bức tượng Phật được coi là cao nhất miền Bắc đã bị đổ sập hoàn toàn.

Công trình tượng Phật được dựng trên đài sen ở mái chính điện của chùa Sóc được kỳ vọng là cao nhất miền Bắc. Pho tượng bị gẫy gập ở phần bụng, toàn bộ đổ ập xuống nền đài.

Do ở độ cao và trọng lượng lớn khiến cho phần chân và đài sen cũng bị sập xuống. Phần mái vòm của căn chính điện nhà chùa bị gãy vỡ, có chỗ thụt võng xuống trơ lõi thép.

Thời điểm xảy ra sự cố, rất may, một tốp thợ khoảng 10 người do hết vật liệu nên nghỉ sớm nên không ai bị ảnh hưởng.

Khi xảy ra sự việc, UBND huyện Quỳnh Phụ đã đình chỉ thi công công trình xây dựng chùa Sóc. Khi tiến hành xác minh, chính quyền địa phương cho biết, việc xây dựng tượng Phật của chùa không có giấy phép của cơ quan chức năng, không có đơn vị tư vấn giám sát, và lực lượng thi công cũng là những người không chuyên được nhà chùa thuê về.

Cơ quan điều tra xác định, thiệt hại của sự cố này là 3 tỷ đồng. Tiền xây dựng tượng Phật được quyên góp từ sự đóng góp của các Phật tử, các nhà hảo tâm.

Thái Bình