- Sự kiện chính trị trọng đại của cả nước, 5 năm mới diễn ra 1 lần, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng sẽ chính thức khai mạc ngày 21/1 tại Hà Nội.

Đại hội 12 có chủ đề: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

{keywords}
Ngày 17/1, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh kiểm tra hội trường chính, nơi diễn ra Đại hội. Ảnh: VGP

1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên sẽ tham dự Đại hội. Trong đó, đại biểu đương nhiên có 197 người (chiếm 13,05%), đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương có 1.300 người(chiếm 86,09%), đại biểu chỉ định 13 người (chiếm 0,86%).

99,9% đại biểu có trình độ đại học trở lên.

Các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gồm các nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch QH, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng các khóa 2-6, đại diện bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu cũng sẽ tham dự Đại hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã trân trọng mời đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đến dự lễ khai mạc và bế mạc.

Đánh giá 30 năm Đổi mới

Đại hội Đảng 12 sẽ đánh giá kết quả của 30 năm Đổi mới, kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết của Đại hội 11 (nhiệm kỳ 2011-2015), quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu 5 năm (2016-2020), bầu Ban chấp hành (BCH) TƯ khóa mới.

Trong đó về đánh giá 30 năm Đổi mới, Đại hội sẽ tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm nhìn lại một cách toàn cục, khách quan, khoa học về toàn bộ tiến trình đổi mới đất nước, nhất là giai đoạn 2006 - 2016.

Đại hội cũng sẽ thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị của BCH TƯ khóa 11; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa 11; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ 2016 - 2020; Báo cáo tổng kết thi hành điều lệ Đảng và Báo cáo việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 khóa 11 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Các dự thảo văn kiện này trước Đại hội đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi với 26 triệu lượt ý kiến đóng góp từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài.

Bầu nhân sự

Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội, đó là công tác nhân sự BCH TƯ khóa 12.

Đại hội kỳ vọng sẽ bầu ra BCH TƯ khóa mới là những đại biểu ưu tú trong Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức; có năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc; có uy tín trong Đảng, trong xã hội; có tư duy đổi mới, sáng tạo, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý có hiệu quả vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh; có khả năng đoàn kết, quy tụ; có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.  

Công tác chuẩn bị trên mọi mặt đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc sự kiện chính trị lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân.

Linh Thư