- Quan niệm thuốc Đông y có nguồn gốc tự nhiên nên vô hại, có thể sử dụng thoải mái là vô cùng sai lầm! Rất nhiều trường hợp dùng thuốc Đông y tùy tiện, lâu dài dẫn đến bị nhiễm độc tới mức mất mạng, yếu liệt, tâm thần…


Tử vong vì tin nhầm thần dược

Với thâm niên hơn chục năm ghiên cứu về nhiễm độc thuốc Đông y, bác sĩ Doãn Uyên Vy (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), chuyên khoa nhiễm độc chứng kiến không ít trường hợp nguy kịch do thiếu thông tin và hiểu biết.

Trường hợp trầm trọng nhất bị nhiễm độc thuốc Đông y mà bác sĩ Vy từng gặp là bà Hoàng Thị Thắm, sinh năm 1949, ngụ tại quận 12, tới Bệnh viện Chợ Rẫy khám vì ho nhiều, yếu liệt 2 chân.

Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tiền sử suy giãn tĩnh mạch chi dưới, từng đi châm cứu và được thầy lang giới thiệu uống thuốc An cung ngưu hoàng.

“Đây là loại thuốc của Trung Quốc, được đồn thổi có công dụng thần diệu, cứu được cả những người hấp hối vì tai biến, đột quỵ. Trên thị trường thuốc bán với giá rất cao lên tới vài triệu đồng/viên.”, bác sĩ Vy kể.

Bà Thắm đã uống An cung ngưu hoàng trong 1 tháng, mỗi tuần uống 1 viên.

Hai tuần đầu sau khi uống thuốc bệnh nhân bị ho, đau ngực nhẹ, lở miệng, chân yếu dần. Nghĩ đó là triệu chứng của bệnh cũ nên bà Thắm tiếp tục uống thêm 2 viên An cung ngưu hoàng trong 2 tuần kế tiếp.

Tình trạng lở loét không thuyên giảm, 2 chân yếu dần ngày càng nhiều và bệnh nhân không tự đi lại được, tới lúc này mới nhập viện Chợ Rẫy.

{keywords}

Một trường hợp nhiễm độc do sử dụng thuốc Đông y tùy tiện.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Thắm được xác định bị viêm phổi mô kẽ. Các triệu chứng lở miệng nhiều, sụt cân tới 3 kg/tháng, được theo dõi điều trị viêm phổi nhưng đáp ứng kém là gợi ý cho thấy bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc Đông y.

Sau đó, diễn tiến của nữ bệnh nhân này ngày càng nặng, lơ mơ, co giật toàn thân (5 cơn/ngày, mỗi cơn kéo dài 5 – 6 giây). Đây được gọi là cơn động kinh toàn thể, tổn thương đa dây thần kinh.

“Kết quả xét nghiệm máu, bệnh nhân dương tính với chất Arsenic. Tuy âm tính với thủy ngân nhưng không có nghĩa không có thủy ngân trong cơ thể. Thủy ngân đã đào thải bớt ra ngoài nên xét nghiệm máu không thể hiện được nhưng vẫn nằm ở các mô trong cơ thể. ”, bác sĩ Vy nói.

Dù các bác sĩ tích cực điều trị nhưng bà Thắm đã không qua khỏi, tử vong do một cơn suy tim cấp.

Loại thuốc An cung ngưu hoàng mà bệnh nhân uống có thành phần gồm: ngưu hoàng, cao sừng trâu, xạ hương, trân châu, chu sa, hùng hoàng, uất kim, long não và chi tử.

Trong đó, chu sa và hùng hoàng của thuốc này nguồn gốc từ khoáng chất, có thành phần hợp chất arsenic và thủy ngân. Có lần xét nghiệm viên thuốc này, người ta thấy chứa hàm lượng thủy ngân và Arsenic rất cao. 1 viên An cung ngưu hoàng chứa khoảng 0,25 g chì, 33,2 g thủy ngân, 38,9 g Arsenic.

Suýt bại liệt, tâm thần do nhiễm độc

Trường hợp thứ 2 suýt mất mạng vì nhiễm độc thuốc Đông y được ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy là chị Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1989, nội trợ, ngụ tại Quảng Ngãi.

Chị Thoa khởi phát bệnh lupus ban đỏ (một loại bệnh tự miễn) cách đây 1 năm. Bệnh nhân đang điều trị Tây y thì nghe lời chỉ bảo của người thân, tự ý kết hợp uống thêm cả thuốc Đông y.

{keywords}
Quan niệm thuốc Đông y nguồn gốc thiên nhiên nên thoải mái sử dụng là rất sai lầm.

Bản thân bác sĩ Vy cũng phải giật mình khi nghe kể về số lượng thuốc bệnh nhân uống mỗi ngày: “Một ngày cô ấy uống 120 viên thuốc Đông y dạng viên nhỏ, 1 gói thuốc sắc và thuốc Tây để điều trị bệnh lupus. Bệnh nhân uống liên tục như thế trong 1,5 tháng.”

Sau khi uống thuốc 2 tuần, chị Thoa bị tiểu rát, tiểu lắt nhắt, đi khám tại bệnh viện địa phương chẩn đoán viêm tiết niệu nhưng điều trị không hết.

Bệnh nhân vẫn tiếp tục uống thuốc Đông y nói trên cho tới khi yếu liệt 2 chân, phải nhập viện địa phương và chuyển viện lên Chợ Rẫy.

Qua khám lâm sàng, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ghi nhận chị Thoa rụng nhiều tóc, suy giảm trí nhớ (ngơ ngác không nhớ nổi tên người thân trong gia đình), sụt tới 4 kg/tháng. Tuần 11 sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc Đông y, siêu âm phát hiện viêm cơ tim, tràn dịch ngoài màng tim.

Theo bác sĩ Vy, đó là những biểu hiện hướng tới bệnh nhân bị nhiễm độc thủy ngân và Arsenic mãn tính.

Với trường hợp này, phải tư vấn bệnh nhân ngưng thuốc Đông y ngay và được điều trị hỗ trợ tích cực. Do không đi lại được trong thời gian dài khiến bệnh nhân bị lở loét cùng cụt, phải chuyển lên khoa Bỏng – phẫu thuật tạo hình để ghép da.

Kết quả xét nghiệm cho thấy tóc của bệnh nhân chứa thủy ngân và Arsenic. Tất cả thuốc của bệnh nhân cũng được đưa đi xét nghiệm, đều phát hiện chứa Arsenic và thủy ngân.

Sau 2 tháng điều trị căng thẳng, chị Thoa đã xuất viện nhưng được chỉ định phải tái khám mỗi tháng/lần.

“Mới đây, khi tái khám cho bệnh nhân, tôi thấy trí nhớ cô ấy đang phục hồi dần, đã tự đứng lên để tập đi lại. Có lẽ bệnh nhân phải mất một thời gian dài mới trở lại như trước được.”, bác sĩ Vy cho biết.

Các trường hợp chịu hậu quả nặng nề do nhiễm độc thuốc Đông y không hề hiếm. Hiện tại, bác sĩ Vy đang theo dõi một nam bệnh nhân, 48 tuổi, bị ung thư da do độc chất Arsenic.

Qua đó, bác sĩ Vy cảnh báo người dân, dù là thuốc Đông y hay Tây y, khi sử dụng phải hết sức thận trọng, cần được theo dõi và điều chỉnh kịp thời.

Ngộ độc thuốc Đông y thường do thuốc có chứa một số thành phần mang tính độc, thời gian sử dụng lâu dài, làm bằng tay nên nồng độ không đồng đều, hiểu nhầm tác dụng của thuốc. Tùy thuộc vào yếu tố cơ địa của từng người sẽ có những biểu hiện triệu chứng nhiễm độc khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thuốc vì giữ bí mật gia truyền không ghi hết ra các thành phần trong toa. Đôi khi họ dùng chất bảo quản thuốc có gốc kim loại nặng uống lâu dài, tích tụ nhiều cũng sẽ gây nhiễm độc.

Thanh Huyền

(*) Tên bệnh nhân đã được thay đổi.