- Cùng nhìn lại chặng đường gần 1 năm kể từ tuyên bố của ông Phan Trung Lý "không có cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp" cho đến "giờ phút lịch sử" bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua. 

>> Toàn cảnh Góp ý sửa đổi Hiến pháp
>> 97,59% ấn nút thông qua Hiến pháp
>> Đảng chịu trách nhiệm trước dân

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần đầu tiên được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 2/1/2013 để lấy ý kiến nhân dân.

Dự kiến thời gian lấy ý kiến kéo dài gần 3 tháng (đến 31/3/2013), như Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho hay, mọi ý kiến sẽ được tiếp thu, không có gì cấm kỵ, kể cả về Điều 4.

Đã có nhiều sự kỳ vọng cho cơ hội lịch sử này. Như Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng nói, sửa đổi Hiến pháp là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai, là cơ hội để thực hành dân chủ, là cơ hội vàng để tạo nên những động lực cải cách bởi đất nước không thể vượt lên phía trước "với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa trên lưng"...

{keywords}
Hiến pháp sửa đổi được thông qua với tỉ lệ gần như tuyệt đối

Thống kê đợt cao điểm góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong 3 tháng đầu năm lên tới 20 triệu lượt ý kiến. Cả triệu góp ý cho một bản dự thảo. Các vấn đề được đề cập rộng rãi, từ kiểm soát quyền lực, cho đến vai trò của Chủ tịch nước, vấn đề Hội đồng bảo hiến, thu hồi đất đai, vai trò của quân đội, quyền con người, vai trò của Đảng, tên nước, các thành phần kinh tế, về Chính phủ, bộ trưởng, kinh tế tư nhân, quốc ca...

Thái độ và ứng xử thế nào với khối tài sản này là điều quan trọng, được đông đảo người dân quan tâm. Thảo luận Hiến pháp là cơ hội không thể bỏ lỡ. Khép lại 3 tháng, vẫn còn biết bao ý kiến, tâm huyết, trăn trở tiếp tục gửi gắm.

Bởi thế, tại kỳ họp QH thứ 5 (tháng 5/2013), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khi nhấn mạnh Hiến pháp là "sản phẩm của nhân dân", đã nói, QH thay mặt nhân dân để biểu quyết, nhưng việc lấy ý kiến nhân dân quá gấp gáp.

Sau đó, QH đã quyết định kéo dài thời gian tiếp tục lấy ý kiến cho đến tháng 9.

Tại các kỳ họp của QH, khi thảo luận về dự thảo Hiến pháp, nhiều ý kiến đồng thuận nhưng cũng nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí ngược nhau như các chế định về chính quyền địa phương, về Hội đồng Hiến pháp, Viện kiểm sát...

Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất là thu hồi đất, được bàn qua các kỳ họp, với nhiều quan điểm khác nhau.

Trong đó chỉ riêng vấn đề có nên hay không thu hồi đất phục vụ cho các dự phát triển kinh tế - xã hội, thu hồi hay trưng mua, có nhiều quan điểm khác ngay cả khi cận ngày bấm nút thông qua.

Hay những quy định liên quan đến chính quyền địa phương của dự thảo từng bị coi là nội dung "yếu nhất" cũng vẫn còn những ý kiến khác biệt trong lần thảo luận cuối cùng ở kỳ họp này.

Bởi vậy xuất hiện những ý kiến cho rằng nên lùi thời hạn thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Như ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nêu tại kỳ họp thứ 5, việc lùi thời hạn thông qua Hiến pháp cũng để thể hiện sự tiếp thu thật chín muồi, thật nghiêm túc của QH ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Hay như ĐB Lê Văn Lai bày tỏ, "nhiều nội dung, nhiều điểm chưa có tiếng nói chung, chưa có sự thống nhất cao mà 500 đại biểu thì không phải chỉ dừng lại trong hội trường này mà là đại biểu của 85 triệu dân".

{keywords}

Qua các kỳ họp với nhiều ý kiến thảo luận ở trong QH, ý kiến từ các tầng lớp, nhân dân, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được chỉnh lý, bổ sung để kịp được bấm nút thông qua 1 ngày trước khi kỳ họp thứ 6 QH bế mạc.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định, bản Hiến pháp là kết quả quá trình làm việc cần mẫn tâm huyết, tận tụy của QH và cử tri cả nước, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đã thể hiện tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân.

Việc Hiến pháp 1992 sửa đổi được thông qua sẽ mở đường cho nhiều luật được thông qua, trong đó có Luật Đất đai sửa đổi.

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng