Công nghệ lên miền núi

Trước đây, khi muốn giải quyết một thủ tục hành chính nào đó, anh Hoàng Văn Thắng phải đến UBND huyện cách nhà hơn 10 km, mất gần một ngày mới nộp được hồ sơ. Nhưng sau khi được chính quyền, các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến về việc nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, anh đã áp dụng và thấy rất tiện lợi.

“Nhờ thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng, tôi chỉ cần ngồi ở nhà thay vì phải đem hồ sơ giấy lên UBND huyện. Trong thời gian chờ kết quả, tôi có thể theo dõi tình trạng giải quyết hồ sơ trên hệ thống và biết được đã có hoặc chưa có kết quả để đến nhận” - anh Thắng cho biết.

Cách đây 10 năm, Lạng Sơn từng tiên phong cả nước khi ứng dụng văn phòng điện tử tại các cơ quan quản lý nhà nước, khai thác một số phần mềm nghiệp vụ trong các lĩnh vực thuế, hải quan, tài nguyên và môi trường… Tuy nhiên, CNTT hầu như vẫn vắng bóng trong nhiều lĩnh vực như thương mại, du lịch, dân cư, lao động việc làm. Nhiều hoạt động kinh tế xã hội quy mô lớn vẫn loay hoay với cách làm thủ công, truyền thống…

Năm 2018, Lạng Sơn bắt đầu từ việc thay đổi công nghệ văn phòng điện tử, chuyển từ hệ thống mạng LAN sang Internet. Từ chủ tịch tỉnh cho đến cán bộ cấp xã đều có thể tác nghiệp trên smartphone… đây là điểm then chốt cho mọi công tác chỉ đạo điều hành bảo đảm thống suốt, kịp thời, tức thì, đa điểm từ tỉnh đến cơ sở.

Nhiều hoạt động CNTT được phát triển, tích hợp đồng bộ, dần hình thành chính quyền điện tử. Kết thúc 2019, chỉ số phát triển chính quyền điện tử của tỉnh xếp thứ 50/63, hết năm 2020, tăng vọt gấp đôi, lên hạng 26/63. Nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) hoàn thiện; 37,8% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung thống nhất từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng bản xa xôi nay đã tương đối thạo sử dụng máy tính để làm thủ tục tại nhà, nộp qua mạng, dù nhiều người không biết trụ sở chính quyền cấp tỉnh ở đâu. Những con đường đèo núi nhờ đó đã ngắn lại.

{keywords}
Thành phố Lạng Sơn. Nguồn: Internet

Năm 2020, trong bối cảnh cả nước cùng chung tay phòng chống đại dịch Covid-19, hệ thống truyền thông cơ sở tại Lạng Sơn đã phát huy hết công suất, ứng dụng Al, đưa các thông điệp tràn ngập trên hệ thống văn phòng điện tử, internet, điện thoại, phát thanh, truyền hình…

Là một tỉnh miền núi, dân cư Lạng Sơn phân bố không tập trung với 83,8% là người dân tộc thiểu số, trên 80% sinh sống ở khu vực nông thôn, trình độ dân trí không đồng đều... Nhưng truyền thông phòng chống dịch tại Lạng Sơn đã vịn vào công nghệ, “vươn dậy” đốc thúc tới 30% dân số khai báo y tế; 29,79% cài đặt Bluezone, trở thành tỉnh có số lượng người và smartphone cài đặt, khai báo nhiều thứ 9 trên cả nước. Bằng cách đưa truyền thông xã hội vào cuộc, tỉnh Lạng Sơn đã tiết kiệm 1,8 tỷ đồng trong hoạt động truyền thông từ tháng 2 đến tháng 5/2020.

Bà con, thương nhân hài lòng vì được phục vụ kịp thời

Sáng sớm ngày mùng Một Tết Canh Tý, toàn tỉnh Lạng Sơn có 92/200 xã; 2.000 hộ dân bị giống, lốc, mưa đá gây tốc mái, bung vách, vỡ hỏng nhiều vật dụng... Ngay sau đó, nhiều đoàn công tác từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn đã đến từng hộ dân hỗ trợ thực phẩm, chăn ấm và nhất là các lực lượng tại chỗ đã mang bạt đến để tạm thời che chắn cho các gia đình bị thiệt hại.

Tiếp đến, Covid-19 bùng phát, các biện pháp như giãn cách toàn xã hội được triển khai, du lịch đình trệ, xuất nhập khẩu ứ đọng, hàng hóa nông sản ùn ứ tại Lạng Sơn. Cuối tháng 2/2020, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thí điểm xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, hoa quả tươi qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng. Sáng kiến này đã giải phóng được hàng hóa cho các thương lái và trở thành “điểm sáng” được học hỏi.

{keywords}
Cửa khẩu Hữu Nghị

Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng biên phòng Lạng Sơn vẫn duy trì 156 tổ chốt phòng chống Covid-19 tại biên giới. Không chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, cán bộ chiến sỹ biên phòng còn tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn cấp thêm 5 bộ phương tiện tác nghiệp thông tin lưu động cho các xã, 2 cụm thông tin cho cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để các lực lượng trên biên giới hoạt động truyền thông.

Với hệ thống thông tin đầy đủ tại 21 xã biên giới, việc truyền phát các thông tin của lực lượng biên phòng đã đỡ vất vả hơn, tại tòa nhà liên hợp, cán bộ phụ trách có thể dùng smartphone để điều khiển hệ thống này. Tiếng loa vang xa, tiếng nói dõng dạc của cán bộ chiến sỹ biên phòng giữa núi rừng đã làm ấm lòng bà con biên giới, những người nhập cảnh về với quê hương và bao người từ các tỉnh thành trong cả nước khi lên với Lạng Sơn...

{keywords}
Lực lượng biên phòng hỗ trợ bà con dân tộc, tuyên truyền phòng chống Covid-19

Tiếp tục đổi mới đưa “dòng chảy 4.0 lên núi”

Sau 6 tháng nghiên cứu và quyết định kéo khách du lịch trở lại, tháng 10/2020, thành phố Lạng Sơn đã mở cửa khai trương tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa với mục tiêu điểm đến an toàn. Cùng với đó, ứng dụng tour du lịch ảo VR3D “Động Tam Thanh” được đưa vào khai thác. Tại đây, du khách vừa trải nghiệm phố đêm Kỳ Lừa nổi tiếng, ăn miếng bánh trôi (coóng phù) trong giá rét vừa đắm mình dưới khung cảnh huyền ảo, kỳ bí động Tam Thanh trên ngay smartphone. Đêm với ngày, thực với ảo hòa quyện trở thành một trải nghiệm thú vị cuối tuần.=

{keywords}
Khách du lịch trải nghiệm du lịch ảo 3D tại phố đi bộ Kỳ Lừa
{keywords}
Ông Lý Hồng Hải - Trưởng phòng Thông tin - Báo chí Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn

Là một trong những người tham gia thúc đẩy ứng dụng công nghệ truyền thông ở địa phương, ông Lý Hồng Hải, Trưởng phòng Thông tin - Báo chí Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn cho biết: “Công nghệ lên miền núi, công nghệ ứng phó với tình huống khẩn cấp, bất thường hoàn toàn khả thi và không đắt với miền núi. Công nghệ làm cho người bản địa bớt tự ti, dè dặt hơn; con đường đến các nơi giờ có thể hội tụ về trong lòng bàn tay của bà con. Công nghệ biến giấc mơ kinh tế “li nông mà không li hương” trở thành hiện thực. Năm 2021 chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ truyền thông vào thực tiễn mạnh hơn, người dân không chỉ cảm thấy an toàn hơn, được phục vụ nhiều hơn mà chắc chắn sẽ khơi dậy nhiều cảm xúc hơn nữa…”

Nguyên Chính - Đình Sơn