CLIP: CÔNG AN HUYỆN KỂ CHUYỆN VƯỢT LŨ ĐƯA SẢN PHỤ  VƯỢT CẠN TRONG ĐÊM

Khoảng 17h30' ngày 19/10, nhận được tin một sản phụ trú tại tại xã Cảnh Hoá (huyện Quảng Trạch) trở dạ giữa thời điểm nước lũ đang dâng cao, toàn bộ tuyến đường liên xã, liên huyện ngập sâu hơn 1 mét, Đại tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Quảng Trạch ngay lập tức xuống địa bàn.

Sản phụ là chị Hồ Thị Liên, 28 tuổi. Chị Liên khi đó đang nằm chờ sinh tại Trạm xá xã Cảnh Hóa trong tình trạng quá ngày dự sinh, nước ối đã cạn, bác sĩ chỉ định đẻ mổ.

{keywords}
Sản phụ Cao Thị Huệ (xã Quảng Phương) được công an huyện Quảng Trạch vượt lũ đưa tới bệnh viện để sinh con trong đêm 19/10

Cùng lúc đó, công an xã Quảng Phương cũng điện thoại báo tin, tại thôn Pháp Kệ (xã Quảng Phương) có 2 sản phụ khác cũng đang có dấu hiệu chuyển dạ và 1 bé gái bị đau ruột thừa, phải đến bệnh viện gấp để mổ. 

Hai sản phụ là chị Cao Thị Huệ (26 tuổi); Nguyễn Thanh Trà (26 tuổi) cùng trú tại xã Quảng Phương, trước đó cũng đã từng mổ đẻ nên không thể sinh thường; cháu  Nguyễn Ngọc Phương Trang (8 tuổi) đau ruột thừa trú tại phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn).

Cảnh Hóa, Quảng Phương là các xã nằm liền kề với sông Gianh. Lúc này, Quảng Trạch đang ở thời điểm đỉnh lũ, mực nước liên tục dâng làm cô lập toàn bộ các xã ven sông. Nhiều điểm, mực nước dâng cao trên một mét tại các trục đường liên huyện, liên xã, các phương tiện không thể di chuyển.

{keywords}
Trưởng công an huyện (thứ ban từ trái sang) bên sản phụ Hồ Thị Liên (xã Cảnh Hóa) chuẩn bị phương án giải đưa chị Liên tới Bệnh viện. (Ảnh: CA huyện Quảng Trạch cung cấp).

Trước tình huống cấp bách, Đại tá Phan Thanh Sơn đã hội ý nhanh với Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và Ban chỉ huy phòng chống bão lũ của huyện.

Thời điểm đó, xuồng máy, ca nô của huyện đang tập trung vào cứu dân tại các điểm ngập cao tại xã Phú Hòa, thôn Thiên An… từ sáng 19/10, nước lũ dâng cao, sông Gianh chảy xiết, cùng với trời tối mỗi lúc một nhanh nên không thể ra kịp. Việc thuê các phương tiện chuyên chở khác là bất khả kháng.

“Do thời tiết mưa to, nước xiết và địa hình khó khăn, tôi quyết định chọn phương án sử dụng xe ô tô tải chuyên dụng (xe chở quân) của đơn vị và phối hợp với bộ đội biên phòng huyện đón bằng ca nô tại vị trí cổng chào phía tây của Thị xã Ba Đồn.

“Một số chiến sỹ bơi giỏi, ứng biến tốt và một lái xe nhiều kinh nghiệm nhất của Đội CSGT công an huyện được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ” – Đại tá Sơn cho biết.

Đại tá Phan Thanh Sơn trực tiếp ngồi trên xe để chỉ huy.

"Chuyến xe bão táp"

Từ UBND xã Cảnh Hóa tới điểm đón sản phụ Hồ Thị Liên chỉ hơn 1km, tuy nhiên, do đường nhỏ, ngập nước, đường trơn trượt, mưa to và một số chỗ bị ngập sâu nên xe phải di chuyển chậm, vừa đi vừa dò đường để tới điểm hẹn ở ngã tư Quảng Thanh. Mất hơn 1 giờ đồng hồ, Đại tá Sơn mới đón được sản phụ Liên lên xe.

{keywords}
Nước dâng cao đỉnh điểm tại xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch)

Hai sản phụ Trà và Huệ cùng bé Trang được bà con di chuyển bằng ghe nhỏ từ Trạm y tế xã Quảng Phương ra điểm hẹn ngã tư Quảng Thanh đưa lên xe chuyên dụng, tất cả đều diễn ra trong dòng nước lũ.

Đón xong 3 sản phụ và bé gái, điểm đến là Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, khoảng cách chừng 7km. Tuy nhiên, vừa xuất phát được hơn 1km thì gặp dòng nước chảy mạnh và sâu, đèn chiếu sáng không thể hoạt động nên phải dùng đèn pin để dò đường. Đi thêm một đoạn thì xe dừng đột ngột do nước vào làm động cơ chết máy.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Các sản phụ được di chuyển từ xe chuyên dụng công an huyện sang cano của Bộ đội biên phòng trong đêm 19/10.

“Mưa mỗi lúc một to, nước càng lúc càng chảy xiết, phải cố gắng làm sao cho xe mau thoát khỏi chỗ nước xiết, đề phòng tình huống xe bị cuốn. Chỉ huy lệnh cho cán bộ chiến sĩ xuống đẩy xe lên chỗ cao, còn Trưởng công an huyện tự cầm lái và cầm đèn pin dò đường” – Trung úy Nguyễn Thái Sơn (đội CSGT công an huyện Quảng Trạch, người trực tiếp tham gia trên chuyến xe đưa 3 sản phụ tới bệnh viện trong đêm lũ) cho biết.

Dưới trời đêm, bên trên là mưa xối xả, bên dưới nước mỗi lúc một dâng và chảy xiết, dù mặc áo mưa chuyên dụng, áo phao… nhưng các cán bộ chiến sỹ đều đã ướt hết, thêm cái đói và lạnh. Chiếc xe được tắt động cơ, gần như nổi trên mặt nước nên nhẹ hơn được đẩy đi trong dòng nước lũ hơn 1km thì tới điểm hẹn đón bằng ca nô của bộ đội biên phòng.

{keywords}
Cổng chào thị xã Ba Đồn, nơi xe chuyên dụng chở các sản phụ trong đêm 19/10 bị chết máy do nước lũ dâng cao.
{keywords}
Đại tá Phan Thanh Sơn, Trưởng công an huyện (thứ 3 từ phải sang) chỉ huy xe vượt lũ Quảng Bình đưa ba sản phụ đi vượt cạn trong đêm 19/10.

Tuy nhiên, những khó khăn, hiểm họa chẳng ai lường trước được. Nước chảy xiết khiến ca nô không thể tiếp cận được xe để chuyển bệnh nhân, phải tiếp tục đẩy xe lên vị trí cao hơn.

Khi đã tiếp cận vị trí cao hơn, nước ngập thấp hơn để có thể ghé mũi ca nô  vào đuôi xe, ba sản phụ và bé gái được chuyển qua ca nô của bộ đội biên phòng để di chuyển dần xuống bệnh viện, còn xe tải chuyên dụng được sửa ngay tại đó.

Trời tiếp tục thử thách lòng người. Ca nô di chuyển được một đoạn thì phải dừng vì… đường cao, nước ngập… không đủ sâu để ca nô chạy. Lúc này xe chuyên dụng đã sửa xong lại được điều đến, chuyển các sản phụ từ ca nô lên xe tải, tiếp tục dò đường đến bệnh viện.

“Chúng tôi cố tránh các tuyến đường nhánh, liên xã do những tuyến này ngập sâu để di chuyển ra Quốc lộ nhằm tránh được lũ. Thế nhưng, ra tới Quốc lộ, đường tắc kẹt cứng thành dãy dài vì các xe tránh lũ mấy ngày qua, đợi nước rút tiếp tục di chuyển vào hướng Đồng Hới.

Chỉ huy lại điều động cán bộ chiến sỹ ra dẹp đường, xin nhường đường để cho xe chuyên dụng đưa người tới bệnh viện. Anh em phải chạy bộ 4- 5km, gõ cửa từng xe để nói họ nhường đường, ưu tiên cho xe chở sản phụ đi trước” - Trung úy Nguyễn Thái Sơn cho hay.

12h đêm, “chuyến xe bão táp” đã tới được bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình. Ba sản phụ và bệnh nhân 8 tuổi đau ruột thừa an toàn nhập viện.

Đại tá Phan Thanh Sơn thở phào sau những giờ khắc cân não chỉ huy “chuyến xe bão táp”: Khi đó, việc quan trọng nhất là đưa các sản phụ đến bệnh viện an toàn. Bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện, lúc đó chúng tôi mới thở phào, quên hết đói, hết rét. Hơn 10km nhưng phải mất 8 giờ đồng hồ”.

Rồi ông cười dí dỏm: “Mừng nhất, là không có sản phụ nào sinh con trên xe cửa đơn vị, không sẽ có giai thoại xe công an bất đắc dĩ thành nhà hộ sinh”. 

 

Đặt tên con là “LỤT”

Sáng 21/10, thông tin với VietNamNet, chị Hồ Thị Liên (sản phụ được công an huyện đưa đến bệnh viện trong đêm mưa lũ ngày 19/10) đầy hạnh phúc: “Cả ba chúng em đều đã mẹ tròn con vuông. Em sinh bé trai ngày hôm qua (20/10). Con được đặt tên là Lương Quang Minh Anh, nhưng vợ chồng em sẽ gọi con là “bé Lụt” để nhớ mãi kỷ niệm không bao giờ quên, được các bác, các chú công an huyện đưa mẹ con em đến bệnh viện an toàn, mẹ tròn con vuông”.

Giải cứu cụ già bị gãy tay chân khỏi rốn lũ Quảng Bình

Giải cứu cụ già bị gãy tay chân khỏi rốn lũ Quảng Bình

Công an huyện Quảng Trạch đã vận động, di dời người dân vùng rốn lũ Phù Hóa ra nơi cư trú an toàn. Một cụ già gãy cả chân, cả tay được công an huyện giải cứu.

Kiên Trung