– Ghép tạng là lựa chọn cuối cùng đối với những bệnh nhân bị suy gan, tim, thận giai đoạn cuối. Có những người tưởng chừng cận kề cái chết nhưng nhờ ghép tạng nên được “hồi sinh”, trở về với cuộc sống bình thường.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, VietNamNet giới thiệu cùng bạn đọc một số thành tựu kỹ thuật y tế tiêu biểu, trong đó có ghép tạng.

“Được sinh ra lần nữa”

Ông H. (54 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là bệnh nhân xơ gan, ung thư gan giai đoạn muộn. Được điều trị tích cực song kết quả không như mong muốn, ông H. cũng như gia đình đã nghĩ đến chuyện xấu nhất…

Thật may mắn, giữa lúc đó có một bệnh nhân chết não được gia đình đồng ý hiến tạng và tạng của người này phù hợp để ghép cho ông H.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết ca ghép gan của ông H. được tiến hành ngay trong đêm được cho tạng. Sau 8 ngày sau khi được ghép gan, ông H. có thể ngồi dậy ăn uống, nói chuyện với mọi người, các chỉ số trong cơ thể đều bình thường.

{keywords}
Ghép tạng tại BV Việt Đức (Ảnh: Website BV Việt Đức)

“Bệnh nhân như được hồi sinh thêm một lần nữa, vì trước đó bệnh nhân rất yếu, có nằm mơ cũng không thể nghĩ có ngày hồi phục ăn uống và trò chuyện được như thế. Thực tế với những bệnh nhân bị suy tim, gan, thận giai đoạn cuối, nếu không được ghép tạng họ sẽ chết. Bệnh nhân suy thận có thể lọc thận nhưng không thể kéo dài mãi mãi. Ghép tạng là con đường ngắn nhất và tốt nhất để cứu bệnh nhân”, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho hay.

Bên cạnh bệnh nhân H., ông Quyết cho biết bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được 18 ca ghép gan người lớn khác (trong tổng số 21 ca trên cả nước), trong đó có 3 trường hợp được ghép từ tạng của người cho sống, 15 trường hợp từ người cho chết não.

Trường hợp lâu nhất là sống được  hơn 7 năm và hiện vẫn khỏe mạnh. Chỉ có 1 trường hợp tử vong sau gần 2 tháng được ghép do bị suy gan mãn, virus viêm gan C tăng lên quá cao gây suy gan nặng, còn lại đều khỏe mạnh và trở về cuộc sống, lao động bình thường.

Kỹ thuật ghép tạng tại Việt Đức nói riêng và các cơ sở y tế khác trên cả nước nói chung đã mang lại sự “tái sinh” cho những người bệnh đang kiệt quệ vì bệnh tật. Có bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đã chấm dứt được việc chạy thận, phụ thuộc máy móc nhờ được ghép thận từ người cho chết não.

Ghép được nhiều tạng cùng lúc

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Bệnh viện Việt Đức đã có quá trình dài chuẩn bị, phấn đấu, nỗ lực học hỏi và thực hành ghép nhiều tạng cùng lúc như một kỹ thuật thường quy.

{keywords}
Ông Nguyễn Tiến Quyết - GĐ Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: C.Q)

“Chúng tôi có thể triển khai cùng lúc ghép 1 tim, 1 gan, 2 thận ngay với kíp mổ khoảng 200 người nếu có người cho chết não. Chúng tôi có đầy đủ kíp lấy tạng, kíp bảo quản và kíp ghép có thể làm cùng lúc cả 4 ca. Trên thế giới, các trung tâm ghép tạng cũng thường làm riêng từng kỹ thuật chứ không làm tập trung như bệnh viện Việt Đức”, ông Quyết cho hay.

Hiện nay bệnh viện Việt Đức đã ghép được hơn 210 thận (trong đó có 42 thận từ người cho chết não, số còn lại (gần 170) ghép từ người cho sống, trong đó có một số người nước ngoài).

Tất cả các trường hợp ghép thận đều có kết quả rất tốt, trở lại cuộc sống bình thường, không có tử vong. Chỉ có 2 trường hợp lại suy thận tiếp thì 1 người phải lọc máu chạy thận, 1 người đã ghép lại.

Đối với ghép tim, bệnh viện Việt Đức ghép được 7/9 ca trên cả nước. Hiện nay có 3 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não, viêm phổi kèm suy gan thận và do suy kiệt.

Theo ông Quyết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn tạng khan hiếm. Có khoảng gần 10 ngàn người chờ để được ghép tạng mỗi năm, nhưng các bệnh viện không có nguồn tạng để ghép.

Ngoài ra, một vấn đề khác cản trở khả năng tiếp cận kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam là vấn đề giá thành. Tuy giá thành ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng 1/4-1/3 giá thế giới nhưng so với mức thu nhập, mức sống hiện nay của người dân, cán bộ bình thường là rất khó khăn.

“1 ca ghép gan ở nước ngoài mất 6 tỉ nhưng ở Việt Nam mất 1,5 tỉ. 1 ca ghép thận ở bệnh viện Việt Đức từ 200-250 triệu đồng, còn ở nước ngoài khoảng 600-700 triệu đồng. Dù giá ghép thấp hơn rất nhiều so với nước ngoài nhưng vẫn là khoản kinh phí rất lớn đối với người Việt Nam. BHYT chỉ chi trả phần tiền thuốc chống thải ghép sau ghép, còn lại người bệnh phải tự chi trả”, ông Quyết cho biết.

Cẩm Quyên