Ngày 2-6-2015 là tròn 2 năm Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) thực hiện các cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong nước.

{keywords}

Từ cuộc triển lãm đầu tiên ở Hà Tĩnh, đến nay Bộ TTTT đã tổ chức 29 cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 8 cuộc triển lãm tổ chức ở các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).

Buổi đầu gian truân

Tháng 1-2013, triển lãm “Tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là những tư liệu, bản đồ, hình ảnh tuyển chọn từ các đề tài nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) thực hiện trong các năm 2010 - 2012, trong đó có bộ sưu tập hơn 150 bản đồ và 4 cuốn atlas khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Việt Nam, do kỹ sư Trần Thắng, Việt kiều ở Mỹ, sưu tầm và trao tặng. Triển lãm kéo dài 1 tháng, thu hút gần 10.000 lượt người xem và tạo tiếng vang lớn trong công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo.

Ngay sau đó, Cục Thông tin đối ngoại và Trung tâm Dịch vụ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã tiếp xúc với Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa để nghiên cứu và xin sao chụp những tư liệu, hình ảnh và bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đưa về Hà Nội chuẩn bị cho kế hoạch triển lãm lâu dài và sâu rộng trên cả nước. 

Bộ TTTT cũng liên hệ với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và một số cơ quan, ban ngành ở trung ương để sưu tầm thêm tư liệu phục vụ triển lãm. Bộ TTTT đã mời các chuyên gia về lịch sử và pháp lý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tham gia Hội đồng thẩm định các nguồn tư liệu này. 

Sau hai vòng thẩm định, toàn bộ tài liệu, hình ảnh, bản đồ, công trình nghiên cứu… liên quan đến nội dung triển lãm đã được bàn giao cho Bộ TTTT để tổ chức trưng bày. Từ đây triển lãm chính thức mang tên “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và bắt đầu hành trình “lan tỏa” khắp cả nước.

Nhân Tuần lễ biển đảo Việt Nam năm 2013, Bộ TTTT chọn Hà Tĩnh là nơi đầu tiên để tổ chức triển lãm. Khai mạc vào ngày 2-6-2013, triển lãm kéo dài 1 tuần, thu hút gần 5.000 lượt người xem. Tại triển lãm này, lần đầu tiên 17 châu bản liên quan đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời Nguyễn (1802 - 1945) được đưa ra trưng bày. 

Đây là những văn bản có tính pháp lý cao nhất, khẳng định vương triều Nguyễn đã kế thừa quá trình chiếm hữu và xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà các triều đại quân chủ Việt Nam đã thực hiện từ hàng trăm năm trước, tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền trên 2 quần đảo này một cách liên tục và hòa bình. 

Những tư liệu quý này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng. Triển lãm cũng trưng bày những sản vật của các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là những “nắm cát” từ Hoàng Sa do các ngư dân miền Trung mang về và hiến tặng.

Ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển

Sau Hà Tĩnh, Bộ TTTT đưa triển lãm ra Hà Nội (tháng 7-2013), vào thành phố Hồ Chí Minh (tháng 8-2013) và lên Thái Nguyên (tháng 10-2013). Tại Hà Nội, triển lãm bổ sung nhiều “bản đồ chủ quyền” do kỹ sư Trần Thắng vừa sưu tầm thêm và trực tiếp mang từ Mỹ về. 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm thu hút đông đảo người xem ngay từ lúc chưa khai mạc cho đến những thời khắc cuối cùng trước giờ bế mạc. Người Sài Gòn vẫn không quên những ngày xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974. Họ đã mang tinh thần ấy đi xem triển lãm. Người dân từ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, tranh thủ ngày nghỉ “bắt xe” về Sài Gòn xem triển lãm. 

Những dòng cảm tưởng của người xem ghi kín 2 cuốn sổ lưu niệm tại triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu trong lễ khai mạc: “Thái Nguyên là tỉnh trung du, không có biển, nhưng người dân Thái Nguyên luôn luôn quan tâm đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm này là cơ hội để người dân ATK, ‘thủ đô đại ngàn’ của cuộc kháng chiến chống Pháp, hiểu thêm những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa”. 

Đáp lại tấm lòng của chính quyền và người dân Thái Nguyên và các tỉnh trung du phía Bắc, hơn 30% tư liệu trưng bày đã được thay mới và bổ sung từ nguồn tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia, của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm và những tài liệu, bản đồ do TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng) vừa thu thập được trong chuyến đi sưu tầm tư liệu Hoàng Sa ở các nước Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp vào tháng 9/2013.

Năm 2014, Bộ TTTT tiếp tục đưa triển lãm đến các tỉnh, thành phố: Đắk Lắk và Đà Nẵng (tháng 1-2014), Phú Yên (tháng 3-2014), huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa (tháng 4-2014), Quảng Ngãi (tháng 7-2014), Bắc Ninh và Quảng Nam (tháng 8-2014), Cà Mau (tháng 9-2014), Quảng Ninh (tháng 10-2014), Cao Bằng và Kiên Giang (tháng 12-2014).

{keywords}

Bộ TTTT đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, các cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được lãnh đạo Bộ TTTT xác định là một trong những hoạt động trọng tâm nên rất chú trọng, từ công tác sưu tầm và thẩm định tư liệu bổ sung, đến việc phối hợp với các địa phương thực hiện triển lãm. 

Đặc biệt, Bộ TTTT đã tổ chức sưu tầm bộ Atlas Universel (6 tập) do nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen (1795 - 1869) biên soạn và xuất bản năm 1827 tại Brussels (Bỉ). Trong tập 2 (Asie) của bộ atlas này có tờ bản đồ “Partie de la Cochinchine” khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) thuộc về Cochinchine (Đàng Trong) thuộc “Đế chế Annam” (Việt Nam). Đây là tài liệu có giá trị khoa học và giá trị pháp lý rất cao về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đã sưu tầm được trong thời gian qua.

Bộ TTTT cũng thành lập Vụ Thông tin cơ sở, phối hợp với Văn phòng Bộ và Trung tâm Dịch vụ Thông tin và Truyền thông trực tiếp thực hiện các cuộc triển lãm ở quy mô quốc gia, huy động nhiều tư liệu và hiện vật do các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước sưu tầm và hiến tặng. Những tài liệu, bản đồ, hình ảnh, hiện vật này đã được thẩm định nghiêm túc và trưng bày khoa học, nên các cuộc triển lãm đạt hiệu quả tốt, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham quan, tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ đầu năm 2015, Bộ TTTT đã “tăng tốc” tổ chức các cuộc triển lãm tại các tỉnh Bình Thuận (tháng 1-2015) và Cần Thơ (tháng 3-2015). Ngày 3-4-2015, Bộ trưởng Bộ TTTT ký Quyết định 469/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” năm 2015, theo đó, từ tháng 4 đến tháng 12-2015, triển lãm sẽ được tổ chức tại 15 tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV. Thực hiện quyết định trên, Bộ TTTT đã tổ chức thêm 6 cuộc triển lãm tại: Bến Tre, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và Ninh Bình (tháng 4-2015); Thanh Hóa và Nghệ An (tháng 5-2015).

Tiếng vang từ các cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ TTTT tổ chức trong 2 năm qua đã lan tỏa khắp cả nước và ra nước ngoài. Vì thế, nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng các cuộc triển lãm này bằng các cung cấp thông tin về các nguồn tư liệu liên quan đang lưu trữ trong các thư viện, bảo tàng, sưu tập cá nhân, trên các webpage trong và ngoài nước… để Ban tổ chức triển lãm liên hệ sưu tầm, thu thập thêm tư liệu phục vụ triển lãm. 

Nhiều tư liệu quý đã được gửi đến Bộ TTTT và đến các thành viên trong Ban tổ chức triển lãm bằng nhiều phương tiện: thư tín, e-mail, các trang mạng xã hội… Nhờ đó mà các cuộc triển lãm sau này luôn được bổ sung nhiều tư liệu quý, bám sát chủ đề triển lãm, kịp thời cập nhật thông tin sát với diễn biến về tình trạng Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chặng đường sắp tới

Thành công của các cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ TTTT tổ chức trong 2 năm qua đã đặt dấu mốc quan trọng trong công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước những bằng chứng lịch sử, những cơ sở pháp lý vững vàng, xác thực, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo này; đồng thời khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia trong công chúng.

Bộ TTTT đã đánh giá những thành tựu đạt được và những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức triển lãm trong suốt 2 năm qua. Bộ TTTT đã mời các chuyên gia đầu ngành về Hoàng Sa - Trường Sa tiếp tục thẩm định các nguồn tư liệu bổ sung, xây dựng đề cương trưng bày mới, chuẩn bị cho việc “phủ sóng” các cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” khắp cả nước và đưa đi triển lãm ở nước ngoài trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Bộ TTTT đã lập kế hoạch tổ chức triển lãm giai đoạn 2015 - 2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

{keywords}

Ngày 11-5-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 616/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (giai đoạn 2015 - 2017). Theo đó, Thủ tướng giao Bộ TTTT chủ trì và phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức triển lãm tại 48 tỉnh, thành phố chưa tổ chức, gồm: 18/29 tỉnh thành phố có biển, 14 tỉnh có biên giới với các nước láng giềng, 16 tỉnh còn lại, 8 Bộ Tư lệnh Quân khu, 4 Quân đoàn, 5 Vùng Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam. Ngoài ra, triển lãm cũng sẽ được tổ chức ở nước ngoài, dự kiến là Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc (giai đoạn 2015 - 2017).

Song song với việc tổ chức triển lãm, Bộ TTTT còn được giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện thị, đoàn thể, mạng lưới thông tin cơ sở và các cơ quan thông tấn, báo chí tại các địa phương tổ chức triển lãm; xuất bản các ấn phẩm, công trình nghiên cứu mới về chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; sản xuất phim, phóng sự tài liệu về chủ đề này để tuyên truyền ở trong và ngoài nước.

Có thể thấy rằng, những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TTTT thực hiện trong 3 năm tới là vô cùng quan trọng, cấp thiết và toàn diện. Để thực hiện thành công những nhiệm vụ này, Bộ TTTT đã chủ động phối hợp với các địa phương, lực lượng Quân đội, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam để lên phương án chi tiết triển khai nhiệm vụ. 

Bộ TTTT cũng đã thành lập hội đồng quốc gia để thẩm định các nguồn tư liệu sẽ đưa ra triển lãm trong thời gian tới; xây dựng đề cương trưng bày mới với nội dung phong phú và sâu sắc, tư liệu có giá trị, hình thức trưng bày hiện đại và hấp dẫn nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, nhất là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong các cuộc triển lãm dự kiến sẽ thực hiện ở nước ngoài.

Với sự chuẩn bị chu đáo, với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện lòng yêu nước và tình cảm thiêng liêng với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ TTTT sẽ cùng các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong tình hình mới, mà các cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là những minh chứng cụ thể, sinh động và thiết thực.

(Theo Bộ Thông tin và Truyền thông)