- Có đại biểu Quốc hội cho rằng nên mạnh dạn để các trường ĐH được tự chủ cả về tài chính, nhân sự, chương trình học lẫn giáo án, song đại biểu khác lại lo giao hết quyền sẽ dẫn đến rối loạn. 

>> Làm rõ hơn quyền tự chủ trong giáo dục
Mức độ và quyền tự chủ cho các trường đại học là một trong những vấn đề ĐBQH thảo luận tại tổ chiều 4/11 về dự án Luật Giáo dục. Đây được xem là một trong “lời giải” tiềm năng góp phần cải tổ thực trạng chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

Không ai muốn làm thợ

Xới vấn đề chất lượng, đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) cho rằng, phải có một quy hoạch tổng thể về giáo dục. Quốc hội cần Chính phủ trình bản quy hoạch đó để làm căn cứ xem xét, tránh tình trạng mở trường ồ ạt mà chất lượng không đảm bảo. Đặc biệt với các hệ đào tạo dân lập, tại chức, bởi tâm lý "sính" bằng cấp hiện nay đã khiến xã hội chạy theo tấm bằng đại học.

Đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La): Luật phải quy định các trường có ít nhất 2/3 giảng viên "cứng". Ảnh: Lê Nhung
"Nhiều người cứ quan niệm hệ tại chức chất lượng thế này, thế kia. Nhưng nếu không có tại chức thì nhiều người sẽ không vào được cơ quan nhà nước. Mà không vào được nhà nước sẽ không có việc làm. Xã hội ta thì không ai muốn đi làm thợ", ông Cường nói.

Chia sẻ chuyện này, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) nói, nhiều trường mở hệ tại chức tuyển sinh ồ ạt nhưng chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Thí sinh đi học không đủ số tiết, nhiều thí sinh còn thuê người học hộ, khi đến kỳ thi thì mới đến. Bà Lừu cho rằng, dự án luật cần có thêm một chương về quản lý chất lượng đối với hệ tại chức cũng như cấp phát văn bằng cho hệ này.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, chất lượng đào tạo phải do xã hội và người sử dụng lao động đánh giá. Đó mới là thước đo chính xác. Do vậy, đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) đề xuất, nên có thêm quy định là các trường phải báo cáo về số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm hàng năm là bao nhiêu. Đồng thời, công khai đánh giá của sinh viên đối với chất lượng giảng dạy của giảng viên.

Tự chủ sẽ rối loạn?

Ủng hộ việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học như phương thức đảm bảo chất lượng giáo dục, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, trường nào đầu tư đúng mức cho cả thi tuyển đầu vào và chất lượng đầu ra thì ngày càng có thương hiệu, càng thu hút được đầu vào tốt và đầu ra đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Theo ông Ngân, nên mạnh dạn thay đổi cơ chế học phí, để các trường được tự chủ tài chính, "khi đó sẽ có cách lấy thu bù chi, tích lũy hợp lý, nâng cao chất lượng tương xứng", ông Ngân nói. Mặt khác, các trường cũng cần được tự chủ về tổ chức, nhân sự, chương trình học, giáo án và hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Huy Thông, không thể giao hết quyền tự chủ cho các trường bởi e ngại sẽ dẫn đến rối loạn.  "Việc giao quyền tự chủ cho các trường chỉ nên dựa trên năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Trường nào đảm bảo chất lượng đào tạo tốt thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn và ngược lại. Có như vậy, các trường mới tự cạnh tranh để tồn tại và phát triển”, ông Thông khẳng định.

Vấn đề tự chủ trong tuyển sinh cũng nhận được nhiều cách phân tích khác nhau.

Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM), nên ủng hộ các trường tự chủ tuyển sinh đầu vào song điểm sàn thì phải do Nhà nước quy định thống nhất. "Không để tình trạng đầu vào quá thấp, không đảm bảo đầu ra khiến xã hội nghi ngờ chất lượng như trường hợp Nam Định không tuyển công chức tốt nghiệp đại học dân lập", bà Thúy nói.

Đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Trưởng đoàn ĐBQH Hòa Bình) cũng cho rằng nên bỏ kỳ thi tuyển quốc gia chung, cho phép sinh viên tự định hướng và lựa chọn trường học dựa trên danh tiếng, uy tín và chất lượng của các trường vì đầu ra mới quan trọng.

Còn với đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên), việc cho phép tự chủ tuyển sinh đã được làm từ cách đây khoảng 10 năm. Và rồi mấy chục năm nay, biết bao thế hệ học sinh cứ bị thử nghiệm hết cách này đến cách khác mà vẫn chưa tìm ra phương án cuối cùng.

Chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng phân tích, nếu giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường là rất không ổn. Bởi, các trường có rất nhiều chiêu tiếp thị để thu hút sinh viên. Do đó, nên cân nhắc phương án hợp lý để đảm bảo chất lượng chung. "Ở các nước, đầu vào ĐH rất nhẹ nhàng còn đầu ra rất quyết liệt. Nước ta thì ngược lại, đầu vào căng thẳng nhưng đầu ra không kiểm soát được", ông Sinh nói.

Dự án luật sẽ được thảo luận ở hội trường chiều 14/11 và sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp thứ ba.

Lê Nhung - Thủy Chung