Bạn đọc Anh Đức (Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) vừa gửi đến diễn đàn “Tranh cãi về phạt vượt đèn vàng” bài viết bày tỏ mong muốn bàn vì sao cần “xử phạt hành vi vượt đèn vàng ở thời điểm hiện nay”?

Quy định 8 năm “nằm” trên giấy

Nếu cẩn thận xem lại các quy định của Luật giao thông đường bộ (từ năm 2008) thì sẽ thấy quy định rõ ràng về ứng xử khi gặp đèn vàng là “phải dừng lại trước vạch”. Tuy nhiên, sau gần mười năm quy định này gần như chỉ nằm trên giấy khi mà đèn đỏ còn bị vượt rất nhiều.

Thực tế đó đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc mà chúng ta đã phải chứng kiến, không chỉ trong gần chục năm kể từ khi có đạo luật riêng về giao thông đường bộ cho đến nay.

{keywords}

Ảnh: Phạm Hải

Tám năm để quy định về sự tuân thủ đèn vàng nằm trên giấy, ở một khía cạnh đã không chỉ nhằm tạo điều kiện cho người dân làm quen với những điều chỉnh mới mẻ (so với các đạo luật về dân sự, hình sự, thương mại,…) mà cũng là khoảng thời gian để các cơ quan quản lý đánh giá khả năng vận hành của hệ thống.

Tất nhiên, cũng cho thấy sự chậm chạp của cả hai bên chủ thể trong tiến trình này vì khoảng thời gian tám năm đối với một quy tắc chung nhỏ như vậy là thực sự lãng phí, càng chưa nói đến những quy tắc xử sự chung phức tạp hơn.

Từ phía nhà quản lý, mặc dù có thể viện lý do đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà có những chậm trễ nhất định. Nhưng trên thực tế, có những ví dụ cho thấy tình trạng của cơ sở hạ tầng không phải là yếu tố quyết định đối với sản phẩm là hiệu quả lưu thông, mà là nhờ có sự hướng dẫn, vận hành hợp lý từ người điều khiển giao thông trên nền tảng sẵn có.

Điển hình là nhiều nút giao cắt không có tín hiệu đèn, khi không có người điều khiển, phân luồng thì dễ xảy ra ùn ứ các phương tiện. Nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau khi xuất hiện người chỉ dẫn (không chỉ là cảnh sát giao thông, nhiều khi do chính người dân tự thực hiện), thì dấu hiệu ùn ứ giảm rõ rệt.

...Đèn vàng vẫn vượt thành quen

Trở lại với vai trò của nhà quản lý với câu chuyện “đèn vàng”. Sự thiếu nghiêm túc trong thực hiện quy định ngay từ ban đầu của cơ quan chức năng đã khiến hình thành tâm lý ở người tham gia giao thông là đèn vàng vẫn có thể vượt.

Nhiều người vẫn quan niệm khi đèn vàng sáng là dấu hiệu để đưa ra quyết định đi hay dừng, nếu đi thì đi cho nhanh. Và đương nhiên, chẳng ai không muốn đi càng nhanh càng tốt. Rất ít trường hợp chủ động dừng khi đèn vàng bật sáng.

Khi nhận thức đã trở thành thói quen, sẽ rất khó để thay đổi dù ở quy mô cá nhân chứ chưa nói đến ở quy mô cộng đồng. Bài học từ sự quyết liệt trong thực thi quy định về đội mũ bảo hiểm cho thấy hiệu quả của sự vào cuộc nghiêm túc, nhanh chóng, có trách nhiệm của các cơ quan quản lý thay vì chờ đợi sự cải thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng.

Hơn thế nữa, câu chuyện cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng là câu chuyện không có hồi kết vì xã hội luôn vận động đi lên và đòi hỏi hệ thống hạ tầng cũng luôn phải được nâng cấp. Do đó, cứ viện vào cớ này để biện minh cho sự thiếu nỗ lực, thiếu quyết tâm (ở một số nơi), hoặc nỗ lực và quyết tâm “nhầm” cách thức (ở một số nơi khác) là không thuyết phục, thậm chí có thể gây lãng phí nguồn lực.

Nếu tổ chức tốt, có lẽ thành phố Hà Nội đã không phải huy động đến cả lực lượng cảnh sát cơ động tham gia điều tiết giao thông gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

Từ phía người dân, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về “sự đóng góp” của chúng ta đối với thực trạng giao thông hiện nay nói chung chứ không thể hoàn toàn “trút” mọi lý do lên đầu cơ quan quản lý.

Nhìn chung đa số người dân đều có ý thức chấp hành tốt các quy định của luật giao thông, nhưng còn (không phải một) bộ phận không nhỏ những người tham gia giao thông có ý thức kém, phải thẳng thắn nói với nhau như vậy.

Và chỉ “nhờ” một vài trường hợp tham gia với ý thức kém, toàn bộ hệ thống bao gồm cả những người chấp hành tốt quy tắc xử sự chung đều phải hứng chịu hậu quả là sự ùn tắc và giảm hiệu quả lưu thông.

Như vậy, cả hai bên chủ thể nổi bật trong trường hợp này đều đang có lỗi. Nghĩa là giải pháp phải do và xuất phát từ hai bên chủ thể này. Thế nhưng cũng lại xuất hiện tranh cãi rằng bên nào cần phải cải thiện trước?

Từng cá thể phải thay đổi

Là cơ quan quản lý phải làm trước các trách nhiệm, nghĩa vụ công vụ của họ (một cách nghiêm túc) hay người dân phải làm trước trách nhiệm nhìn nhận và từ bỏ những hành vi ý thức kém khi tham gia giao thông?

Câu trả lời là không thể trông chờ vào bất cứ bên nào mà mỗi bên phải tự mình chủ động thay đổi, sự thay đổi của số đông luôn bắt nguồn và cần có sự thay đổi từ từng cá thể trong cộng đồng đó.

Nếu bạn chờ người khác thay đổi rồi mới thay đổi theo, người khác cũng sẽ làm như vậy với bạn. Nếu bạn thay đổi mà chưa nhìn thấy sự thay đổi từ người khác, hãy có niềm tin vào những người đã thay đổi mà bạn chưa nhìn thấy tận mắt, họ vẫn đang đồng hành cũng sự cố gắng của các bạn.

***

Ví dụ về đèn vàng chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề mà xã hội chúng ta đang gặp phải chỉ tính riêng trong hoạt động tham gia giao thông. Do sự giới hạn về dung lượng mà tác giả sẽ tiếp tục đề cập ở những bài tiếp theo nếu quan điểm của tôi về sự thay đổi ở mỗi người được chấp nhận. Mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn đọc.

Bạn có đồng quan điểm phạt đèn vàng như đèn đỏ, hoặc ý kiến khác? Những hình ảnh, clip vi phạm an toàn giao thông có thể gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Hình ảnh, clip và các ý kiến phù hợp sẽ được đăng tải

Anh Đức (Khoa Luật, ĐHQG Hà Nôi)