- Câu chuyện thú vị về phiên chất vấn đầu tiên của QH khóa đầu tiên được nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ dịp kỷ niệm ngày tổng tuyển đầu tiên của đất nước (6/1/1946).

Tại hội thảo về 70 năm hình thành và phát triển của QH VN hôm nay, ông Dương Trung Quốc kể: Vào kỳ họp thứ 2 QH khóa 1, việc chất vấn đã được thực hiện rất nghiêm túc từ khi QH mới thành lập, thể hiện sự dân chủ của một quốc gia mới ra đời.

Cam kết Chính phủ liêm khiết

"Ở kỳ họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân thành, khôn khéo thuyết phục được các ĐB từ tất cả các đảng phái, để có được một chính phủ đồng thuận.

Đến kỳ họp thứ 2, kéo dài 13 ngày, sau khi có hàng loạt biến động về tình hình trong và ngoài nước giữa hai kỳ họp: hiệp ước sơ bộ, Hồ Chủ tịch thăm Pháp, hội nghị Fontainebleau, thành phần ĐB có sự thay đổi, Hiến pháp đang được chuẩn bị và chiến tranh lan rộng ở Nam Bộ... Nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp này là thông qua những quyết sách và đạo luật quan trọng. Nhưng sôi nổi hơn cả là khi chất vấn và trả lời chất vấn", nhà sử học nói.

{keywords}

Ông Dương Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc liệt kê: Bộ trưởng Thông tin Tuyên tuyền Trần Huy Liệu trả lời câu hỏi "vì sao xếp khối ĐB của Việt Quốc sang khối cực hữu" rằng "vấn đề là đường lối chính trị chứ không phải chỗ ngồi". Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp khiêm nhường nói "nước nhà đang vượt qua nhiều khó khăn, đó là công lao của Hồ Chủ tịch, nhưng trong nước có những việc không hay, đó là việc của tôi".

Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe khẳng định "chính phủ đang kiên quyết bài trừ tệ hối lộ". 

"Ông Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Kinh tế thì bị các ĐB chê là lúng túng khi trả lời, bí quá đã mời các vị chất vấn có dịp sang bộ của ông, ông sẽ trình sổ sách giấy tờ cho xem. Cũng ngay tại phiên chất vấn đầu tiên này, người đứng đầu CP đã phải trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐB. Biên bản phiên họp ghi rõ danh sách những người chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Dương Trung Quốc kể.

"Trả lời câu hỏi tại sao CP đem việc thay đổi quốc kỳ ra bàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đanh thép: CP không bao giờ dám thay đổi quốc kỳ. Chỉ vì một vài người trong CP đưa việc ấy lên nên CP phải trình qua QH xem xét. Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ VN, đã đi từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Giờ trừ phi là cả 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi nó".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: CP đang cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong CP, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc trong các ủy ban là đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao CP cũng hết sức làm gương, còn nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật để trị.

Bầu cử tự do là khát vọng của dân

Tại hội thảo, các ĐBQH, nhà nghiên cứu cũng chia sẻ quan điểm rằng những thành tựu về dân chủ và lập pháp của nước ta là nhờ rất nhiều vào ý nghĩa của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 ấy.

{keywords}

Như PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, ĐH Luật TP.HCM, kể thì khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức tổng tuyển cử, một số người lo sẽ "không có kết quả", vì e trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp.

"Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, khẳng định nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình", ông Nhiêm nói.

"Nếu không có cuộc tổng tuyển cử vĩ đại ấy, thử hỏi cơ chế nào, biện pháp nào tốt hơn để thu phục thù trong giặc ngoài mà không cần sử dụng bạo lực? Bầu cử tự do chính là khát vọng ngàn đời của người dân Việt, bỏ được lá phiếu có chết cũng hả dạ".

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm khẳng định thành công của tổng tuyển cử lần đầu tiên chính là vì Bác Hồ đã đặt niềm tin sâu sắc vào nhân dân, trên cơ sở tôn trọng tự do của công dân trong bầu cử.

"Đó mới thực sự là hình thức thể hiện mối quan hệ biện chứng về niềm tin giữa nhân dân với các thiết chế quyền lực trong một xã hội dân chủ", ông Nhiêm nói.

PGS.TS Bùi Xuân Đức, nguyên cán bộ MTTQ VN, cũng ghi nhận: Tuy là lần đầu tiên những cuộc tổng tuyển cử 1946 đã thể hiện đầy đủ nguyên tắc bầu cử mới: tự do, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, "mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đã làm được".

Tại hội thảo cũng đã có gần 10 tham luận của các ĐBQH, nhà nghiên cứu phân tích các kinh nghiệm và bài học của 70 QH VN, kiến nghị đổi mới trong thời gian sắp tới.

Chung Hoàng