Quan chức TQ đang đổ xô rút khỏi việc đăng ký các khóa đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) sau khi chính phủ ra lệnh cấm quan chức nhận học bổng chương trình này trong một nỗ lực chống tham nhũng.

{keywords}
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo đó, chính phủ TQ đã cấm các quan chức lãnh đạo đảng, chính quyền và doanh nghiệp nhà nước đăng ký tham gia khóa đào tạo khá tốn kém trừ khi họ được chính thức chấp thuận và tự chi trả. Những người đang theo học chương trình này cần lập tức ngừng lại.

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bắt đầu vào cuối năm 2012. Động thái mới nhất bắt đầu từ những quan ngại rằng, các khóa đào quản lý điều hành kiểu như MBA bán thời gian là "môi trường thuận lợi' cho tham nhũng.

Quyết định nói trên sẽ là một đòn giáng mạnh vào hệ thống các trường đào tạo kinh doanh đang nở rộ ở TQ. Chi phí cho chương trình MBA bán thời gian có thể lên tới hơn 100.000 USD. Ở một số trường, các quan chức chính phủ được chào mời tham gia gần như miễn phí nhằm thu hút các doanh nhân giàu có cũng tới trường với mục tiêu xây dựng mạng lưới quan hệ.

Có khoảng 5-8% học viên MBA là quan chức chính phủ, hầu hết là học bổng do các trường kinh doanh chi trả. Ba trường kinh doanh hàng đầu ở TQ cho hay, rất nhiều học viên đến từ các cơ quan chính quyền trong vài tuần nay đã bỏ học hoặc từ chối học bổng để "tự vệ" trước chiến dịch chống tham nhũng.

Chương trình đào tạo MBA bán thời gian ở TQ được nhiều người chọn lựa, nhất là tầng lớp giám đốc điều hành và quan chức. Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số chương trình bị chỉ trích nặng nề vì chi phí đắt đỏ nhưng chất lượng thấp.

Trộm làm lộ mặt quan tham

Báo Bưu điện Hoa nam hôm nay đưa tin về vụ trộm diễn ra ở nhà của chủ tịch một tập đoàn nhà nước chuyên về khai thác than tại tỉnh Sơn Tây đã dẫn tới hàng loạt sự kiện khiến một quan chức chính trị cấp cao tỉnh này ngã ngựa.

Báo dẫn nguồn Tạp chí Tài Kinh cho biết, khi xử lý vụ trộm tại nhà của nguyên chủ tịch công ty than cốc Sơn Tây, Bai Peizhong, các nhà điều tra đã phát hiện ra rất nhiều quan chức cao cấp trong tỉnh đã về hưu gửi đơn thư khiếu nại phó bí thư tỉnh ủy Jin Daoming. Tạp chí dẫn khá nhiều nguồn tin bao gồm cả một số quan chức cảnh sát cấp cao Sơn Tây cũng như những người biết rõ công ty than, tiết lộ về một mạng lưới có cả cảnh sát, giám đốc ngành công nghiệp than và quan chức chính quyền.

Jin và nhóm của mình đã bị điều tra trong một chiến dịch chống tham nhũng ở Sơn Tây. Tới nay, mạng lưới này có ít nhất 7 quan chức cấp tỉnh sa lưới trong đó có Jin và ing Zhengce - anh trai của Ling Jihua, từng là trợ lý cấp cao của cựu chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào.

Hai tên trộm đã bị lĩnh án tù và sau đó được đưa đến Bắc Kinh hồi tháng 1. Sau đó, nhân viên của Uỷ ban Thanh tra và Kỷ luật TQ (CCDI) tiến hành thẩm vấn về vụ trộm nhà của Bai năm 2011.

Tại thời điểm đó, báo chí đưa rằng, hơn 50 triệu nhân dân tệ (8,1 triệu USD) giá trị tài sản đã bị trộm lấy đi tại ngôi nhà rộng 400 mét vuông của Bai. Tuy nhiên, ở phiên tòa xét xử hai tên trộm một năm sau đó, tòa án địa phương cho biết, giá trị tài sản bị trộm là 10 triệu nhân dân tệ.

Theo Tài Kinh, Jin chịu trách nhiệm giám sát vụ xét xử. Jin đã chỉ thị cho cảnh sát trưởng thành phố Thái Nguyên là Su Hao làm giảm đáng kể giá trị tài sản của Bai. Trong một nỗ lực giúp Bia tránh khỏi tình nghi tham nhũng, Su nói với Bai kê khai tài sản mất trộm chưa đầy 10 triệu nhân dân tệ. Cảnh sát còn giúp Bai lấy lại một số tài sản bất chính như kiểu quà tặng bằng thẻ ghi nợ. Cấp phó của Su còn ra lệnh cho cấm dưới xử lý vụ của Bai trong yên lặng.

Mặc dù vụ trộm đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của vị quan chức công ty than nhà nước, nhưng sau đó cơ quan chống tham nhũng của Sơn Tây nói chỉ có 840.000 nhân dân tệ giá trị tài sản của Bai là vi phạm quy định. Ông bị kết án treo một năm. Vụ xử lý trường hợp của Bai, cùng với các cáo buộc giao dịch bất động sản phi pháp của một phụ nữ có quan hệ với Jin, cùng với cáo buộc Jin che chở cho quan chức ngành vận tải trong tỉnh đã khiến nhiều quan chức cao cấp về hưu của Sơn Tây gửi đơn tố cáo lên CCDI.

Thái An (theo FT, scmp)