TQ đang gia tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo và nước này muốn tận dụng việc cải tạo đảo ở Biển Đông để “giấu” chúng - tờ Brisbane Times của Australia dẫn lời các chuyên gia nhận định về mục đích thật sự sau tham vọng bá chủ Biển Đông của TQ.

TQ ngang nhiên xây nhà, nuôi gia súc ở bãi Chữ Thập

{keywords}
Một tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh: AP

Giáo sư Carl Thayer cho biết: “Biển Đông có thể là nơi phù hợp để TQ giấu các tàu ngầm bởi vùng biển này có độ sâu lên đến vài nghìn mét với rất nhiều hẻm núi ngầm dưới nước giúp các tàu ngầm có thể dễ dàng tránh bị phát hiện”.

Theo ông Thayer, Bắc Kinh đã nhận ra vị trí chiến lược của các đảo mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông bởi các đảo này giúp bảo vệ vành đai phía Nam nước này, trong đó có một căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam. Tại đây, hải quân TQ đã đào các đường hầm dưới biển để các tàu ngầm đậu mà không bị phát hiện.

Trước đó, tại cuộc họp báo hồi tháng 4 tại Washington, Đô đốc William Gortney - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Bắc Mỹ cho biết: “Bất cứ khi nào một quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân và thiết lập các loại tên lửa có tầm bắn đến Mỹ cũng đều khiến chúng tôi lo ngại”.

Trong vài thập kỷ qua, TQ đang nỗ lực xây dựng kho vũ khí hạt nhân để đối phó với Mỹ và Nga và chương trình phát triển tàu ngầm của nước này cũng nằm trong nỗ lực này.

Mặc dù các tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm JL2 của TQ chưa thể bắn tới nước Mỹ khi trú ẩn ở Biển Đông, TQ hy vọng sẽ cải thiện được tầm bắn của các quả tên lửa đạn đạo của mình.

Các tàu ngầm của TQ khá ồn ào. Chính vì thế, chúng rất khó di chuyển đến khu vực Tây Thái Bình Dương mà không bị phát hiện.

Các quan chức Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng, sau khi hoàn tất việc cải tạo đảo, TQ sẽ đơn phương thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các máy bay của Mỹ bay vào khu vực này có thể phát hiện ra các tàu ngầm của TQ.

Giáo sư Thayer và nhiều nhà phân tích khác cho rằng, không chỉ nhằm “giấu” các tàu ngầm của mình, việc TQ tiến hành cải tạo đảo và xây các công trình trên đó còn nhằm mục đích răn đe các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines.

“TQ hy vọng có thể gây áp lực để Philippines không đồng ý cho Mỹ đưa quân hiện diện thường xuyên ở khu vực do Philippines kiểm soát ở Biển Đông”, ông Thayer nói và cho biết, đến tháng 5/2016, Philippines sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống và điều này có thể quyết định đến sự hiện diện trong tương lai của Mỹ ở Biển Đông.

Theo VOV