- Sáng 12/3, Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, đơn vị mình đang điều trị cho 5 trường hợp ngộ độc nhộng ve sầu hết sức nguy kịch.

Các nạn nhân gồm cha, 2 con ruột, con rể và một người hàng xóm, ngụ tại tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, nặng nhất là tình trạng của ông Lê Cao C., sinh năm 1958, hàng xóm của gia đình trên.

Gia đình bệnh nhân kể lại, chiều ngày 9/3, các nạn nhân đào được 200 gram nhộng ve sầu (khoảng 70 con), đem về chiên, xào làm mồi nhậu.

Khoảng 30 phút đến 2 tiếng sau khi ăn, họ lần lượt có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, nôn ói, tê tay chân.

“Chúng tôi xác định đây là triệu chứng ngộ độc thần kinh. Hiện tại vẫn chưa có cách điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Bệnh nhân đã được cho truyền dịch để đào thảo chất độc qua đường tiểu, theo dõi, chăm sóc nâng đỡ thể trạng”, bác sĩ Hùng nói.

Đến nay, 3 trong số 5 bệnh nhân đã hết tê tay chân, riêng bệnh nhân Lê Cao C. tay chân vẫn bị run, chưa qua cơn nguy hiểm.

{keywords}
Một nạn nhân của vụ ngộ độc ve sầu. Ảnh: Thanh Huyền.

Theo bác sĩ Hùng, bản thân ve sầu không có độc, nhưng trong chu trình phát triển của mình, ấu trùng ve chui xuống đất, chờ tới đầu mùa hè mới chui và trèo lên cây.

Trong lúc chui xuống đất, có thể ấu trùng ve nằm trúng chỗ có nấm độc nên bị nhiễm nấm.

Biểu hiện của chung của các nạn nhân ăn phải ấu trùng ve nhiễm nấm độc là nhức đầu, chóng mặt, nôn ói, sau đó tê tay chân rồi chuyển sang hôn mê, tử vong.

Năm nào Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận vài trường hợp cấp cứu do ăn ve sầu bị ngộ độc.

Thanh Huyền