Chiều 31/8, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP. 

Mở đầu buổi họp, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, trong 24h qua, Ban Chỉ đạo đã nhận được nhiều câu hỏi từ báo chí, tập trung vào các nhóm vấn đề như: Số ca mắc mới, số tử vong và số ca ra viện; số người được xét nghiệm, tiêm chủng 24h qua và kế hoạch tiêm chủng vắc xin của TP.HCM trong thời gian tới.

Đề nghị Công an TP thông tin về việc sử dụng giấy đi đường nay phải khai báo thêm y tế ở tất cả các trạm, thay vì chỉ cần điểm đầu và điểm cuối; lực lượng kiểm soát cầm điện thoại của người đi đường kiểm tra liệu có an toàn hay không, khi mà giấy đi đường đã đủ thông tin.

Thông tin về hoạt động Trung tâm an sinh, công tác an sinh và gói hỗ trợ triển khai thế nào?

{keywords}
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo sau 8 ngày giãn cách xã hội ở mức cao nhất

TP.HCM cần trên 8 triệu liều vắc xin để tiêm cho dân trong năm nay

Ông Phạm Đức Hải thông tin, ngày 28/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ban hành kế hoạch 2917/KH-BCĐ về tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại TP.HCM.

Cụ thể, cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tính tới ngày 30/6/2022 là hơn 7,2 triệu người.

Đối tượng tiêm vắc xin là toàn bộ người dân trên địa bàn TP trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vắc xin, trong đó tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng sau:

Người cao tuổi; người có bệnh lý nền; thai phụ từ 13 tuần tuổi trở lên và bà mẹ đang cho con bú; lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm); lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông...).

Lộ trình tiêm vắc xin trong giai đoạn sắp tới, TP dựa trên yêu cầu bao phủ vắc xin cho người dân và quy định của Bộ Y tế về tiêm 2 liều, với lộ trình như sau:

Giai đoạn 1 từ ngày 29/8 đến ngày 15/9: Tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1.

Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vắc xin với hơn 2 triệu người, bao gồm:
+ 733.000 người cần tiêm bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer;
+ 485.000 người cần tiêm bằng vắc xin Moderna;
+ 31.000 người của tiêm bằng vắc xin Pfizer;
+ 840.000 người cần tiêm bằng vắc xin Vero Cell (tổ chức tiêm tập trung trong thời gian từ ngày 6-10/9).
Tổng số lượng vắc xin cần sử dụng là 2.769.000 liều.

Giai đoạn 2, từ ngày 16 - 30/9: Bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người).

Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vắc xin (khoảng 657.000 người), bao gồm:
+ 500.000 người cần tiêm bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer;
+ 18.200 người cần tiêm bằng vắc xin Mondera;
+ 700 người cần tiêm bằng vắc xin Pfizer.
+ 138.000 người cần tiêm bằng vắc xin Vero Cell.
Tổng số lượng vắc xin cần sử dụng là 1.376.900 liều.

Giai đoạn 3, từ ngày 1-15/10: Tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4, từ ngày 16/10 đến 31/12: Tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vắc xin phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29/8 đến 30/9).

Tổng cộng số lượng vắc xin cần sử dụng từ ngày 29/8 đến 31/12 là hơn 8,1 triệu liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1,4 triệu liều, sử dụng cho mũi 2 là khoảng 6,75 triệu liều).

{keywords}
Người dân được đo huyết áp trước khi vào tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng 

Ông Hải cho rằng có 5 vấn đề cần thông tin chi tiết thêm về vắc xin. Đó là:

Thứ nhất, nguyên tắc là vắc xin do Bộ Y tế phân bổ, TP.HCM không trả lời chính xác thời điểm nhận vắc xin;

Thứ hai, lần 1 tiêm vắc xin gì, lần hai sẽ tiêm vắc xin tương thích;

Thứ ba, vắc xin tốt nhất là vắc xin sớm nhất. Đến giờ vẫn còn người chờ đợi, hờ hững. Tiêm vắc xin là quyền lợi và trách nhiệm, vì bản thân, vì cộng đồng và tiêm để đạt được miễn dịch cộng đồng;

Thứ tư, vận động bà con đi tiêm, có thể tiêm tại chỗ, có thể mời bà con tới điểm tiêm;

Thứ 5, chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng Chỉ thị 16, nhưng cũng không thể bỏ ngay giãn cách xã hội khi không đủ điều kiện. Một trong những điều kiện quan trọng là tiêm vắc xin.

Chi tiết số liệu về phòng, chống dịch 

Về y tế, tổng số trường hợp mắc Covid-19, tính đến 18h ngày 30/8 là 216.314 ca, trong đó 215.869 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 ca nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 40.561 bệnh nhân, trong đó có 2.463 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.752 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 30/8 có 2.752 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 110.269), 335 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 9.204).

Số liệu tử vong từ ngày 24/8 đến ngày 31/8: Ngày 22/8 là 340 người; 23/8 là 292; 24/8 là 266; 25/8 là 242; 26/8 là 287; 27/8 là 271; 28/8 là 256; 29/8 là 245 và 30/8 là 335.

Về kết quả xét nghiệm: Từ 18h ngày 29/8 đến 18h ngày 30/8 đã lấy gần 363.000 mẫu, trong đó có 6.655 mẫu đơn và 7.649 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 299.007 mẫu.

Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Tổng số mũi vắc xin đã tiêm đến ngày 30/8/2021 là 6.128.344 (tăng 4.834 mũi vắc xin so với ngày 29/8). Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.791.291, mũi 2 là 337.134, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 638.786

Tổng số mũi vắc xin đã tiêm đến ngày 29/8 là 6.123.510 (trong đó, tổng số mũi 1 là 5.791.291, mũi 2 là 332.219, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 638.786).

Về an sinh, theo ông Phạm Đức Hải, từ ngày 15 - 31/8, tổng số túi an sinh đã chuyển tới các quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.210.255 túi (tăng 169.344 túi so với ngày 30/8).

Tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong ngày: 18 người (lũy kế từ 23/8 đến 31/8 là 793 người); tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy: 7 người (lũy kế từ ngày 23/8 đến 29/8 là 109 người).

Về các gói hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo và lao động tự do mất việc làm, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, đến giờ này TP đã chi (làm tròn) 3.000 tỷ đồng trên tổng số 3.687 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân và lao động khó khăn.

TP cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ sau 15/9 để chăm lo cho bà con khi dịch kéo dài.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, lưu lượng tham gia giao thông tương đối ổn định, không có tăng giảm đột biến và không có hiện tượng ùn tắc tại chốt.

{keywords}
Người dân quét mã QR khi qua chốt. Ảnh: Thanh Tùng

Liên quan đến yêu cầu người dân khai báo theo mã QR khi qua chốt, theo ông Hà, đây là yêu cầu do Công an TP triển khai.

Ông Hà thông tin, thời gian qua nhờ quét mã QR đã phát hiện 30 trường hợp F0 khi di chuyển qua các chốt. Phát hiện 2 vụ làm giả giấy đi đường, công an đang làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến báo chí phản ánh cán bộ công an cầm điện thoại quét mã QR có an toàn hay không? Ông Hà trả lời, công an tuyến đầu đều tiêm 2 mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính. Nguy cơ công an lây sang người khác thì ít, nhưng cán bộ chiến sĩ cầm điện thoại quét thì chứa đựng nguy cơ. Công an sẽ rút kinh nghiệm có cách làm phù hợp.

Liên quan đến vấn đề san sẻ vắc xin với các tỉnh, thành khác và việc shipper đợi chờ xét nghiệm thời gian lâu, ông Phạm Đức Hải thông tin, về vắc xin, nguyên tắc phân bổ vắc xin là của Bộ Y tế, TP.HCM luôn luôn san sẻ với các tỉnh về vắc xin theo những chỉ đạo của Bộ.

Ông Hải cũng cho biết thêm, ngay tối 29/8, UBND TP.HCM ban hành công văn cho shipper hoạt động trở lại, với đội ngũ lớn như thế mà chỉ có hơn 400 trạm y tế lưu động thì sắp xếp giờ cũng tương đối, và mong đội ngũ shipper cố gắng xếp hàng đợi chờ. Ai cũng cần gấp nhưng cũng phải biết thông cảm với nhau.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Sở Y tế tăng tốc, tìm nhiều giải pháp hoặc phát kit cho shipper để tự test nhanh.

Chỉ 0,4% F0 chăm sóc tại nhà phải chuyển lên tuyến trên

Trao đổi về F0 và ca tử vong, đại diện Sở Y tế cho biết, hiện TP có 59.000 F0 cách ly tại nhà, là nhóm không có bệnh nền và không có nguy cơ cao.

Đã cấp 64.000 túi thuốc cho F0 tại nhà. Do được theo dõi sát, tình hình diễn biến chỉ có 0,4% F0 chăm sóc tại nhà chuyển lên tuyến trên

Về tử vong, theo thống kê cộng dồn, đến nay tỷ lệ 4,2%, theo Tổ chức Y tế thế giới thì tỷ lệ tử vong dao động 2,1-4,5%, TP đang nằm trong giới hạn cao của khung này.

TP đang nỗ lực để giải quyết giảm tỷ lệ tử vong. Để giảm được tử vong, vị đại diện này cho biết, trước hết giảm được số ca mắc mới, giảm áp lực cho các tầng điều trị sẽ hy vọng giảm ca tử vong.

Shipper có đi chợ hộ hay không?

Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện TP thực hiện “ai ở đâu ở đó”, nên phải thực hiện phương thức đi chợ hộ giúp dân.

Thời gian qua, TP triển khai rất tốt việc này nhưng cũng có những địa bàn trục trặc. Riêng đội ngũ shipper, ông Phương cho rằng họ rất chuyên nghiệp trong vận chuyển và phân phối hàng hóa, nếu để cho họ đi chợ thay sẽ giảm áp lực cho đội ngũ hiện nay. Không những vậy, thêm việc thì họ có thu nhập.

{keywords}
TP.HCM tăng cường shipper đi giao hàng. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, theo ông Phương, việc đi chợ thay hiện nay do địa phương tổ chức với các phương thức phù hợp. Nếu địa phương nào làm tốt thì họ không cần thêm lực lượng hỗ trợ, địa phương nào lực lượng mỏng, có thể cần thêm đội ngũ hỗ trợ.

Vừa qua, Sở Công thương kết nối đội ngũ shipper cho các hệ thống phân phối hàng hóa. Nhất là tại các vùng xanh, nếu để cho shipper đi mua hàng cho người dân thì quá tốt. Nhưng, shipper có được đưa hàng hóa đến tận nhà người dân hay không thì do địa phương quyết.

“Shipper có được đi chợ thay, đi chợ hộ hay không thì tùy theo tình hình của từng địa phương, có những cách thức phù hợp và an toàn”, ông Phương nói.

Trước đó, chiều 30/8, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị mở rộng, sơ kết một tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11 của UBND TP.

Tại đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, từ kết quả xét nghiệm ở vùng đỏ, vùng vàng và vùng cam, tỷ lệ F0 là 3,8%, điều này có nghĩa là nhân dân đã chấp hành giãn cách có hiệu quả; cho thấy nhân dân thực hiện rất nghiêm Chỉ thị 16 suốt thời gian qua.

Số lây lan ra cộng đồng mức độ nằm trong tầm có thể kiểm soát, xử lý, điều trị. Việc triển khai biện pháp y tế đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là xét nghiệm thần tốc, tiêm vắc xin khẩn trương, điều trị F0 có hiệu quả, kéo giảm các ca tử vong.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã tập trung chăm lo cung ứng hàng hóa thiết yếu, an sinh xã hội.

“Kết quả bước đầu rất quan trọng, tuần đầu thực hiện vừa khởi động, vừa vượt chướng ngại vật, để thực hiện có kết quả tiền đề cho các bước tiếp theo, hoàn thành kế hoạch theo chỉ tiêu của Nghị quyết 86”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Hồ Văn

Bí Thư TP.HCM yêu cầu ứng phó nhanh với những vấn đề phát sinh

Bí Thư TP.HCM yêu cầu ứng phó nhanh với những vấn đề phát sinh

Tại hội nghị trực tuyến của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, người dân đang hy vọng vào mình, phải nỗ lực, cố gắng, quyết liệt hơn và ứng phó nhanh với những vấn đề phát sinh.