- Sáng 7/1, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tiến hành tuyên án đối với “đại án” gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm thực hiện.  

Bác kháng cáo của ACB, Navibank 

Đối với kháng cáo của ACB, HĐXX nhận thấy từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như đã vay tiền lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Do làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán, Như nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân lấy tiền trả nợ. 

{keywords}
Các bị cáo trước giờ tuyên án

Sau đó, thông qua Huỳnh Thị Ngọc Ánh và Huỳnh Thị Bảo Ngọc là người của ngân hàng ACB, Huyền Như biết ACB có chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại các ngân hàng lấy lãi suất. Chớp lấy cơ hội này, Như thỏa thuận với Ngọc về mức lãi suất huy động trong và ngoài hợp đồng, khoản tiền hoa hồng để huy động của ACB sau đó chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng. 

Sau khi chuyển tiền, các nhân viên của ACB không hề theo dõi số dư tài khoản, họ chỉ làm theo yêu cầu của Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Tại tòa, đại diện 19 nhân viên khai họ chưa mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm song chính họ đã ký lệnh chuyển tiền từ các tài khoản tiền gửi sang các tài khoản tiết kiệm này giúp Như chiếm đoạt tiền. 

Chính sự thiếu trách nhiệm, sự cả tin của lãnh đạo và nhân viên ACB đã tạo điều kiện cho Như thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. ACB trên thực tế không giao dịch với Vietinbank do đó ngân hàng ACB không thể là nguyên đơn dân sự trong vụ án này và Vietinbank cũng không phải là bị đơn dân sự đối với ACB, kháng cáo của ACB không có căn cứ. Tương tự kháng cáo của Navibank cũng không được chấp nhận vì ngân hàng này đã cho nhân viên vay tiền dưới hình thức hợp đồng giả tạo để gửi tiền vào Vietinbank. 

Tương tự, kháng cáo của Navibank và 4 nhân viên đề nghị buộc Vietinbank bồi thường 200 tỷ đồng cũng không được HĐXX chấp nhận. Theo HĐXX, Navibank cũng là ngân hàng có chủ trương trái pháp luật khi đem tiền gửi tại ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao. Navibank đã gửi tiền vào Vietinbank thông qua hình thức cho 4 nhân viên ký giấy đề nghị vay kiêm hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ. Toàn bộ số tiền trên đã gửi vào Vietinbank theo yêu cầu của Huyền Như, chủ trương của Navibank là hành vi trái pháp luật. 

Hồ sơ vụ án cho thấy, 4 nhân viên của Navibank vay của Navibank lãi suất 16,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất trong hợp đồng với số tiền trên họ đem gửi tại Vietinbank chỉ 14%/năm, vậy họ được hưởng lợi gì? Đây là nghịch lý, thể hiện đó chính là hợp đồng vay tiền giữa 4 nhân viên và Navibank chỉ là hợp đồng giả tạo. Thực chất việc làm của 4 nhân viên là cho Navibank mượn tài khoản để đầu tư trái pháp luật. Hành vi lừa đảo của bị cáo Như đã hoàn thành từ khi Navibank và các nhân viên chuyển tiền vào tài khoản. 

Navibank không thể là nguyên đơn dân sự, Vietinbank không thể là bị đơn dân sự đối với Navibank trong vụ án này như kháng cáo của Navibank. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Navibank. 

Đối với kháng cáo của một số đơn vị, cá nhân còn lại, HĐXX cũng tuyên bác kháng cáo. Trong đó, tòa tuyên bác yêu cầu của Huyền Như và bà Nguyễn Thị Lang về việc xin lại biệt thự H2 trị giá 43 tỷ đồng tại dự án The Nam Hai ở Hội An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 

Hủy một phần bản án 

Trong  phần tuyên án, HĐXX xét thấy, tại phiên tòa phúc thẩm, Vietinbank xác nhận việc mở tài khoản của 5 công ty (Bảo hiểm Toàn Cầu, Hưng Yên, SBBS, Chứng khoán Phương Đông, Phúc Vinh) là hợp pháp. Các công ty đã chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của mình mở tại Vietinbank. 

{keywords}
Bị cáo Huyền Như trước vành móng ngựa

Sau đó, Như đã giả chữ ký của chủ tài khoản ký vào các lệnh chi rồi ký vào mục kiểm soát viên. Khi chuyển tiền, các nhân viên của Vietinbank đã không kiểm tra tính hợp lệ, tính chính xác của các thông tin trong các lệnh chi trên, chỉ làm theo mệnh lệnh của Như giúp Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty. 

Về việc Vietinbank cho rằng Như không phải là người có chức vụ quyền hạn là không có cơ sở. Bởi lẽ, bị cáo Như được bổ nhiệm chức trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có quyền kiểm soát các chứng từ giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ chuyển tiền với hạn mức dưới 50 tỷ đồng… 

Bản án sơ thẩm đã xác định sai tội danh của bị cáo, cấp phúc thẩm không thể sửa án sơ thẩm buộc Vietinbank phải bồi thường vì như vậy là vi phạm tố tụng. Do đó, HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên hủy một phần bản án liên quan đến nội dung trên để điều tra, xét xử lại. 

Buộc nộp lại hơn 10.000 tỷ đồng 

Liên quan đến số tiền thu lợi bất chính của nhóm bị cáo bị truy tố về tội “cho vay lãi nặng”, HĐXX xét thấy theo kết quả điều tra và bản cáo trạng thể hiện, thông qua việc cho Huyền Như vay lãi nặng, các bị cáo Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí đã thu lợi bất chính khoản tiền đặc biệt lớn. 

Cụ thể, kết quả điều tra và cáo trạng xác định Nguyễn Thiên Lý thu lợi bất chính 745 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Lành thu lợi 1.186 tỷ đồng, Đào Thị Tuyết Dung thu lợi 174 tỷ đồng, bị cáo Hùng Mỹ Phương 164 tỷ đồng, Phạm Văn Chí thu lợi hơn 5,9 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, tòa sơ thẩm kết luận Nguyễn Thiên Lý chỉ thu lợi 414 tỷ đồng, Nguyễn Thị Lành 150 tỷ đồng, Phạm Văn Chí 570 triệu đồng. Đặc biệt, trong phần tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính, số tiền tòa tuyên buộc một số bị cáo phải nộp còn giảm đi rất nhiều. 

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, HĐXX xét thấy có đủ cơ sở kết luận các bị cáo trên phạm tội cho vay nặng lãi. Đối với tội cho vay lãi nặng, các bị cáo đã sử dụng tiền để cho vay bất hợp pháp nên cần thiết phải tịch thu toàn bộ số tiền các bị cáo đã dùng để cho vay và thu lợi bất chính để tịch thu xung quỹ Nhà nước. 

Từ đó, tòa tuyên buộc bị cáo Nguyễn Thị Lành phải nộp lại 9.028 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thiên Lý phải nộp 1.296 tỷ đồng, bị cáo Hùng Mỹ Phương nộp 164 tỷ đồng, Đào Thị Tuyết Dung 440 tỷ đồng, bị cáo Phạm Văn Chí 23,9 tỷ đồng. 

Về phần hình phạt, HĐXX không chấp nhận kháng nghị của VKS, y án sơ thẩm tuyên phạt Võ Anh Tuấn mức án 20 năm tù, chấp nhận kháng nghị, tăng hình phạt với Đào Thị Tuyết Dung từ 11 lên thành 13 năm tù về hành vi lừa đảo. 11 bị cáo khác có đơn kháng cáo được HĐXX tuyên giảm án từ 1 đến 10 năm tù, 6 bị cáo còn lại bị tòa tuyên y án sơ thẩm, giữ nguyên hình phạt. Riêng bị cáo Lê Thị Ngọc Lợi được giảm từ 4 năm tù xuống còn 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

HĐXX cũng kiến nghị khởi tố với hàng loạt cá nhân khác, trong đó có ông Trương Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) về tội thiếu trách nhiệm. Kiến nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Navibank, ông Nguyễn Văn Sẽ (nhân chứng đã đi khỏi nơi cư trú – PV) và nhiều cá nhân khác liên quan trong vụ án.

M.Phượng