- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định không có vùng cấm, khi trả lời câu hỏi của VietNamNet "liệu người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ có bị tinh giản không?".

Bên lề hội nghị triển khai thực hiện tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ chiều 15/5, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn trả lời các câu hỏi của báo chí xoay quanh câu chuyện tinh giản mà Bộ Nội vụ là nơi đi đầu với con số tinh giản đề ra 15%.

Đi đầu để làm gương

Tinh giản biên chế là một việc đụng chạm, không mấy dễ dàng, vì sao Bộ lại quyết định đi đầu?

Tinh giản biên chế cho thấy sẽ có nhiều thách thức, va chạm nhưng Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực về cải cách hành chính thì phải đi đầu, làm gương để các cơ quan, tổ chức khác tham khảo.

Bộ Nội vụ sẽ cố gắng là đơn vị đi đầu trong triển khai tinh giản biên chế. Đây là quyết tâm của Bộ để cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cũng như nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế.

Đến nay, chúng tôi cơ bản xây dựng xong đề án tinh giản biên chế đối với các đơn vị trực thuộc Bộ. Dự kiến sang tuần Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sẽ kí ban hành để thực hiện. Nội dung đề án này đã bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị. Chúng tôi xác định tỉ lệ tinh giản biên chế 15% từ nay đến năm 2021 để quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.

Bên cạnh tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ cũng tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị để sắp xếp lại cho tinh gọn. 

{keywords}
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng mục tiêu tinh giản biên chế 15% Bộ Nội vụ đặt ra không phải là cao. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cơ sở nào mà Bộ đặt ra tỉ lệ tinh giản là 15%?

Chúng tôi căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức từ các đơn vị thuộc và trực thuộc những năm vừa qua.

Đây cũng là căn cứ đầu tiên vì qua đánh giá phân loại, chúng tôi xác định được những người còn hạn chế về năng lực hoặc những người không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng căn cứ vào quy định của Trung ương về tỉ lệ tinh giản tối thiểu phải 10% trở lên. 

Số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, còn hạn chế về năng lực tại Bộ hiện nay là bao nhiêu?

Theo tính toán, hiện Bộ có khoảng 2,3% - 3,6% công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Vậy liệu tỉ lệ tinh giản biên chế 15% mà Bộ đặt ra có khả thi không?

Tôi nghĩ tinh giản biên chế 15% trong 7 năm không phải là cao. Vì mỗi năm chúng ta chỉ tinh giản khoảng 1,5% - 2%. Tỉ lệ 15% là chung của cả Bộ chứ không phải bình quân, cào bằng ở tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Các đơn vị sẽ căn cứ vào thực trạng chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và điều kiện cụ thể của mình để tự xác định tỉ lệ % biên chế cần tinh giản nhưng cũng phải nằm trong khoảng từ 10% đến 15%. Sau khi tỉ lệ tinh giản biên chế các đơn vị đã xác định được thì trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện.

Người đứng đầu phải vượt qua tình cảm cá nhân

Nhưng trong đợt tinh giản này chúng ta nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu đặt ra tỉ lệ tinh giản mà không thực hiện được sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Mà một trong những tiêu chí để làm cơ sở tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 là 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nếu người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ có bị tinh giản không?

Việc thực hiện tinh giản áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức từ Trung ương cho đến cấp xã. trong cả hệ thống chính trị. Do đó không có vùng cấm nào trong việc thực hiện tinh giản biên chế.

Nhưng làm sao để tinh giản công bằng, khách quan, không thiên lệch, không có yếu tố thương ghét xen vào? Điều gì là khó nhất trong tinh giản biên chế?

Để đảm bảo tránh xê xoa, cả nể, tránh tình cảm riêng tư vào trong công tác đánh giá, phân loại thì phải căn cứ vào các tiêu chí đánh giá cụ thể. Nếu muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải đạt những tiêu chí gì. Để đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ sẽ có một danh mục các tiêu chí như vi phạm kỷ luật, không thực hiện nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác, gây khó khăn phiền hà cho người dân... Nếu "dính" vào một trong các tiêu chí đấy thì không hoàn thành nhiệm vụ.

Đánh giá hoàn thành nhiệm vụ ở các mức độ khác nhau được tập trung vào một số tiêu chí như kết quả hoàn thành nhiệm vụ về tiến độ, chất lượng, thái độ. Thứ hai là thể hiện tinh thần tận tụy, trách nhiệm, sự phối hợp trong công việc. Bên cạnh đó còn có một số tiêu chí thể hiện ở văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, thái độ phục vụ nhân dân, chấp hành pháp luật, kỷ luật kỷ cương trong đơn vị...

Vấn đề khó nhất trong tinh giản biên chế chính là trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu phải đủ bản lĩnh để vượt qua tình cảm cá nhân, nể nang, lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm mục tiêu để thực hiện tinh giản khách quan, công bằng, công tâm.

Thu Hằng