- Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế hôm nay, Vụ trưởng Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản cho hay, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm nay, có 25 lượt bộ, ngành và 64 lượt địa phương tinh giản biên chế với số người giải quyết tinh giản là 9.129.

Năm 2015, 15 bộ, ngành và 39 địa phương tinh giản biên chế với trên 5.300 người. Trong đó hơn 4.500 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, hơn 800 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 4 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học và 10 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

Ai cũng 'hoàn thành nhiệm vụ', tinh giản ai?

Nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn thực hiện tinh giản biên chế thời gian qua đã được trao đổi tại hội nghị hôm nay.

{keywords}

Một số địa phương đề nghị cần bổ sung đối tượng được thực hiện chính sách tinh giản biên chế, như người gần đến tuổi về hưu, hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, hay tự nguyện rời khỏi khu vực nhà nước do có nơi khác trả lương cao hơn...

Nhưng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn không đồng tình, khẳng định những đối tượng đó sẽ thực hiện theo quy định về thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc về hưu theo luật định.

Bởi vì mỗi trường hợp tinh giản, đều phải cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để giải quyết chế độ chính sách. Nếu tinh giản không đúng đối tượng sẽ dẫn đến lãng phí tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, ông Trần Anh Tuấn nói.

Một số địa phương lại nêu lo ngại để đảm bảo chỉ tiêu tinh giản từ 10% trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, họ sẽ phải "tinh giản" cả những người làm được việc.

"Tinh giản là đưa những người yếu kém về năng lực, không làm được việc ra khỏi bộ máy nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Do đó phải đánh giá phân loại đúng cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cứ đánh giá không chất lượng, xuê xoa, cả nể, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, thì sẽ không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế", Thứ trưởng Nội vụ phân tích.

"Nếu cứ để những người không làm được việc ở lại, sẽ ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của toàn đơn vị. Điều đó gắn với vai trò của người đứng đầu. Mà việc đánh giá người đứng đầu gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, nếu không mạnh dạn tinh giản người không làm được việc để tuyển thêm những người có năng lực, người đứng đầu sẽ không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, đến một lúc nào đó sẽ phải ra đi".

Ông Trần Anh Tuấn thông tin cho các địa phương rằng Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển dụng theo hướng gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, chứ không phân tán như hiện nay.

Không bổ sung Phó giám đốc sở nếu đã thừa

Như phản ánh của VietNamNet, không ít địa phương có số Phó giám đốc Sở NN&PTNT vượt quá 3 - tức là quá số lượng quy định trong thông tư liên tịch số 14 giữa Bộ Nội vụ và Bộ NN&PTNT.

Cụ thể, tại 6 tỉnh miền Trung mà VietNamNet khảo sát gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, số lượng cấp phó tại các Sở NN&PTNT đều từ 6-7 người. Một số là do lịch sử để lại, nhưng cũng có những trường hợp là công chức do Bộ NN&PTNT "biệt phái" về.
{keywords}

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Nhận định "cái khó" này của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn hôm nay trao đổi với VietNamNet: "Trước khi ban hành thông tư 14, số lượng cấp phó ở Sở NN&PTNT ở các địa phương ngành là không giống nhau, có nơi thì 2-3, có nơi thì nhiều. Đến nay, khi xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định 24 và 37 về cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp huyện, tỉnh, Bộ Nội vụ đã cùng các bộ quản lý chuyên ngành thống nhất quy định số lượng phó giám đốc sở không quá 3".

Đã có 17 thông tư liên ngành như thế được ký và ban hành, và các địa phương đang triển khai thực hiện, ông nhấn mạnh.

Đối với việc giải quyết tình trạng thừa số lượng cấp phó hiện nay, ông Trần Anh Tuấn cho biết trong các thông tư này đều có điều khoản chuyển tiếp quy định: Đối với những sở ngành đã có nhiều phó rồi thì dứt khoát không bổ sung thêm, chỉ bổ sung khi nào thiếu so với quy định tại các thông tư.

Đối với cán bộ luân chuyển, theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, đây là vấn đề cần được nghiên cứu để làm sao việc thực hiện các nghị định về số lượng cấp phó nhưng vẫn đảm bảo được công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ kế cận cho các chức vụ tại các cơ quan trung ương và địa phương.

"Phải thừa nhận trong công tác cán bộ, bao giờ cũng có vấn đề luân chuyển, nhưng việc luân chuyển này không phải là nhiều. Việc luân chuyển cán bộ cũng phải được đảm bảo thực hiện thống nhất các quy định về số lượng cấp phó", Thứ trưởng nói với đại diện lãnh đạo 63 tỉnh thành về dự hội nghị.

"Một điểm cần lưu ý là hiện nay cũng đã có quy định của Đảng về việc không để phó của cấp trên kiêm trưởng của cấp dưới (Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị), như thế cũng sẽ góp phần thực hiện đúng các quy định về số lượng cấp phó một cách khả thi hơn. Bộ máy tinh gọn, biên chế hợp lý sẽ là cơ sở thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn".

Chung Hoàng