- Tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp trước về bổ sung lấy phiếu tín nhiệm làm căn cứ cho bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo luật Tổ chức QH mới nhất đã quy định về đối tượng và hệ quả lấy phiếu.

Quy định về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo luật Tổ chức QH (sửa đổi) được thảo luận tại hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay ở Hà Nội.

So với lần cho ý kiến tại kỳ họp QH giữa năm, dự thảo mới nhất này đã bổ sung một quy định về lấy phiếu tín nhiệm (điều 13) nhưng chỉ quy định đối tượng lấy phiếu, hệ quả của việc lấy phiếu; còn thời điểm, thời hạn trình tự lấy phiếu do QH quy định cụ thể trong văn bản khác.

Cụ thể, thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được QH lấy phiếu tín nhiệm do QH quy định. 

{keywords}
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Minh Thăng

Người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ QH báo cáo QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng quy định chưa rõ hệ quả dẫn tới bỏ phiếu tín nhiệm theo đúng nguyện vọng của ĐBQH. Bà đề nghị nên bổ sung quy định tiến hành định kỳ hàng năm.

"UBTVQH sẽ gửi phiếu vào đầu kỳ họp để ĐBQH dựa vào phiếu đó để ghi nên bỏ phiếu ai thì UBTVQH mới tổng hợp được. Nếu không có phiếu xin ý kiến thì ĐB không biết bày tỏ chính kiến thế nào, lại đi vận động nhau thì không phù hợp với điều lệ Đảng" - ý kiến bà Khánh.

Ngoài bổ sung một điều quy định về lấy phiếu tín nhiệm, trong việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn (điều 14), dự thảo luật đã cụ thể hóa quy định tại khoản 8 điều 70 Hiến pháp về đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, chủ thể có thẩm quyền đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm và việc từ chức;

Cụ thể, QH bỏ phiếu tín nhiệm khi có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc UB của QH. Và người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp.

Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH bỏ phiếu không tín nhiệm có thể từ chức. Trong trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được QH tín nhiệm.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng nên đơn giản hóa việc lấy phiếu, nhất là quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Dù đã quy định ở luật trước nhưng không đi vào thực tế, không có hiệu quả, chưa có kiến nghị nào của ĐBQH trong bỏ phiếu tín nhiệm. TVQH cũng chưa bao giờ báo cáo với QH có 1-2 ĐBQH nào đó kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm với ai đó.

"Không nên quy định đề nghị bằng văn bản, cũng không nên quy định 20%, vì đây chỉ là số ước lệ, chỉ cần 1-2 đại biểu ĐB là có thể đưa ra lấy ý kiến về bỏ phiếu. Nên quy định mỗi năm một lần hoặc 2 năm một lần, nên đơn giản hóa bước lấy phiếu này đi, thay cho quy định kiến nghị bằng văn bản" - ông Hùng phát biểu.

ĐB Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng, quy định như dự thảo luật khó thực hiện.

Linh Thư