- Thảo luận về dự án luật Tiếp công dân tại Thường vụ QH sáng 19/3, đáp lại băn khoăn của nhiều người về việc liệu Văn phòng QH có nên xây riêng trụ sở tiếp dân, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng "quan trọng là tiếp dân rồi có giải quyết được việc hay không, hay lại chỉ như chim đưa thư".

Luật Tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo. Trong lần đầu trình ra Thường vụ QH, rất nhiều vấn đề vẫn chưa được làm rõ như mô hình tiếp công dân, giải quyết ra sao với tình trạng đơn thư chạy  lòng vòng... Nhiều nội dung chưa được điều chỉnh trong dự luật bởi ban soạn thảo cho rằng đã được nêu trong các luật khác như luật về khiếu nại, tố cáo, luật giám sát của QH.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh: Việc tiếp dân còn hình thức, có tình trạng khoán trắng cho công chức. Ảnh: Minh Thăng

Không ít đại biểu tâm tư bởi thường xuyên xuất hiện hình ảnh các đoàn khiếu kiện đông người của công dân trước trụ sở VPQH nhưng với chức năng và thẩm quyền hiện nay, các vị đại biểu dân cử chưa thể làm được gì để giúp dân giải quyết rốt ráo vấn đề.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phàn nàn, lần nào đi tiếp xúc cử tri cũng tái diễn cảnh một số người dân gặp oan sai mang đơn đến khiếu nại những vụ việc cụ thể. Nói như Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, các ĐBQH đều "rất áp lực" trước việc công dân tụ tập khiếu kiện trước trụ sở làm việc các cơ quan QH cũng như nhà riêng lãnh đạo QH. Vì vậy, ông Hiền phản ánh, rất nhiều người mong QH cũng phải có một cơ quan riêng dành để tiếp dân.

"Quan trọng là tiếp dân rồi có giải quyết được việc hay không, hay lại chỉ như chim đưa thư", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu câu hỏi. Theo ông, lâu nay người dân cứ tin tưởng vào QH là cơ quan quyền lực cao nhất nên gặp vướng mắc gì cũng đều tìm đến. Song thực tế QH chỉ nhận để "kính chuyển", rồi sau đó kết quả giải quyết ra sao cũng không thể giám sát được.

"Người ta tìm đến ông mà ông lại không giải quyết được gì cả. Lập cơ quan tiếp dân rất to để ra tiếp nhưng không giải quyết gì thì rất phản cảm", Chủ tịch QH lưu ý.

Chủ tịch QH cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tư pháp khi tiếp nhận đơn thư của người dân là phải giải quyết vụ việc cho đến tận cùng. Với các đại biểu dân cử, tiếp công dân là để lắng nghe thông tin, thu thập thông tin để từ đó tiện cho công việc giám sát, chất vấn, thậm chí phục vụ cho khâu bỏ phiếu cán bộ. Đại biểu dân cử không có chức năng đứng ra giải quyết các vụ việc, song phải được nâng cao năng lực để đôn đốc và giúp người dân giám sát việc xử lý các khiếu nại.

Ông Hùng chia sẻ thêm, từ khi sang làm Chủ tịch QH, vẫn có một vấn đề muốn đổi mới mà chưa thể cải tiến được ngay, đó là phải sửa luật giám sát để nâng cao năng lực, quyền năng giải quyết vấn đề của đại biểu dân cử để công tác tiếp dân đạt hiệu quả thiết thực.

Hiện tại, việc tổ chức hoạt động tiếp công dân của các đại biểu dân cử đang được kết hợp tại các trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước, trụ sở tiếp công dân các cấp.

Dự thảo luật thiết kế 3 mô hình tiếp công dân. Đó là trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; trụ sở tiếp công dân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trụ sở tiếp công dân của quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Các trụ sở này tương đối độc lập, có con dấu riêng, được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước.


Lê Nhung