Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười cho biết, đến nay tỉnh đã ghi nhận hơn 15.000 F0. Trong đó, qua 4 lần tầm soát trong cộng đồng (từ 18/8 đến 10/10), Tiền Giang đã bóc tách hơn 2.700 ca F0 đưa đi điều trị. Số ca tử vong của Tiền Giang là 380.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Mười cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: A.x

Hạn chế chứ không cấm

Giải thích về quy định hạn chế người dân ra đường từ 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ông Nguyễn Văn Mười cho biết, tỉnh không cấm chỉ khuyến cáo hạn chế trong khung giờ nói trên.

“Chúng tôi chỉ khuyến cáo hạn chế thôi. Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng nêu tùy vào tình thực tế tại địa phương sẽ linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung. Tiền Giang không cấm, chỉ khuyến cáo”, ông Mười nói.

Theo ông Mười, ngay từ đầu Tiền Giang đã ưu tiên tiêm vắc xin cho 100% công nhân, kể cả trong và ngoài khu cụm công nghiệp.

“Hiện nay, 100% công nhân trong khu công nghiệp của Tiền Giang đã được tiêm mũi 1. Chúng tôi đang tăng tốc tiêm vắc xin cho công nhân. Đặc biệt, trả mũi 2 cho công nhân…”, ông Mười cho hay.

Về việc người dân từ tỉnh ngoài về Tiền Giang phải chịu chi phí cách ly, xét nghiệm, ông Mười lý giải, theo các văn bản hiện hành thì các khoản chi phí cho người cách ly thì chỉ dùng ngân sách lo cho F1, F0. Còn các đối tượng khác không được chi ngân sách mà người dân phải chịu chi phí.

“Tiền Giang rất thông cảm với bà con, đặc biệt là người gặp khó khăn. Do quy định của Trung ương, nên về nguyên tắc, người về tỉnh phải tự chịu chi phí cách ly, xét nghiệm. Rất nhiều trường hợp về phải thực hiện cách ly tập trung, xét nghiệm. Trước mắt dân về không có khả năng lo chi phí đó thì tỉnh sẽ xuất ngân sách ra để lo ăn uống cho người dân và cả chi phí xét nghiệm…”, ông Mười nói.

'Chưa sản xuất được bao nhiêu, dịch bùng lên thì chết trở lại'

Tại cuộc họp, một số vấn đề khác cũng được nêu ra. Việc Tiền Giang vẫn áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch mà theo doanh nghiệp và người dân là quá gắt gao, trong đó vẫn áp dụng hình thức sản xuất "3 tại chỗ".

Đặc biệt mới đây 19 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang với số lượng hàng chục ngàn lao động vừa gửi thư đến Thủ tướng, cho rằng việc Tiền Giang "1 mình đi một 1 đường" khiến cho doanh nghiệp và người lao động "rất khổ sở".

Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường cho biết, từ ngày 15/7, Tiền Giang đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”. 

Giai đoạn đầu triển khai có 71/186 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”. “Giai đoạn này, do virus chủng Delta siêu lây nhiễm và ý thức công tác tổ chức của doanh nghiệp còn sơ khai; ý thức, nhận thức của người lao động chưa đúng đắn về phòng, chống dịch và chủng Delta nên dịch bùng phát tại gần 10 doanh nghiệp, với khoảng 1.000 người”, ông Trường nói.

{keywords}
Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường

Vẫn theo ông Trường, sau đó UBND tỉnh Tiền Giang ban hành bộ tiêu chí tạm thời để phù hợp với tình hình thực tiễn, bối cảnh phòng chống dịch…

Từ ngày 5/8, Tiền Giang đã cho tiếp tục hình thức sản xuất “3 tại chỗ” cho đến nay. Hiện có 76/186 doanh nghiệp tham gia thực hiện phương án “3 tại chỗ”, với hơn 17.000 người.

“Chúng ta không thể coi mô hình “3 tại chỗ” là định hình khâu sản xuất. “3 tại chỗ” là một trong những mô hình, tình huống xử lý dịch khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn ít… Tình hình dịch của Tiền Giang thời gian gần đây mặc dù đã kiểm soát được nhưng tính bền vững không cao. Rõ ràng người từ ngoài tỉnh về rất nhiều. TP.HCM về Tiền Giang hàng nghìn người, mà bài học gần đây chúng ta thấy “trả giá” gần nhất là Sóc Trăng, Cà Mau, người từ TP.HCM về bùng phát dịch tại hai tỉnh này, theo tôi nắm thông tin trên báo chí là như vậy”, ông Trường nói.

Đối với đề nghị không bắt buộc mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, ông Trường nói: "Nói "3 tại chỗ” nhưng thật ra UBND tỉnh rất uyển chuyển, linh hoạt trong thực hiện. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn “3 tại chỗ” hoặc là lựa chọn nơi lưu trú nhà trọ, khách sạn bên ngoài, có xe đưa đón tập trung". 

"Tâm lý của người lao động ở lâu ngày họ sẽ chán nản nên mô hình rất uyển chuyển. Chúng ta có 3 mô hình gồm: “3 tại chỗ”, “2 địa điểm 1 cung đường” và kết hợp giữa “3 tại chỗ” và “2 địa điểm 1 cung đường”. Chúng ta có mô hình rất độc đáo, đặc sắc so với các tỉnh khác...", ông Trường nói thêm.

Theo ông, từ ngày 5/8 đến nay, không có F0 trong các doanh nghiệp, điều này chứng minh việc xây dựng kế hoạch và thực hiện rất đúng đắn; doanh nghiệp cũng không đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Ông Trường cho biết, những doanh nghiệp phản ứng là doanh nghiệp có số lao động rất lớn. “Doanh nghiệp trên 10.000 người thì không thể biết sắp xếp chỗ nào ăn ở, ngủ nghỉ. Thậm chí trong tỉnh cũng không có nhà trọ, khách sạn nào chứa đủ 1.000 người lưu trú tập trung…”.

“Chúng ta không thể trả giá sức khỏe của người lao động, của người dân ngoài cộng đồng. Dịch bùng phát lại thì những công sức, thành tựu trước đây sẽ phá vỡ hết. Doanh nghiệp chưa sản xuất được bao nhiêu, dịch bùng lên thì chết trở lại, chúng ta lại tốn thêm thời gian, công sức và nguồn lực của xã hội…”, ông Trường nói.

Theo ông Trường, Tiền Giang sẽ có giải trình, báo cáo cụ thể với Thủ tướng về vụ việc này. 

Thiện Chí 

Tiền Giang dịch cấp độ 2, hạn chế dân ra đường từ 19h đến 5h hôm sau

Tiền Giang dịch cấp độ 2, hạn chế dân ra đường từ 19h đến 5h hôm sau

Tiền Giang quy định người dân hạn chế ra đường vào ban đêm; khách đến nhà hàng ăn phải tiêm đủ 2 liều vắc xin.