- Vừa nhận bàn giao công việc giám đốc nông trường chè Quyết Thắng, hôm sau ông Bá Thanh cưỡi xe Honda 67 xuống các đội sản xuất và ở lì với công nhân.

>> Ông Bá Thanh: 'Chúng ta sẽ lấy lại những gì đã mất'

Gần 30 năm qua nhưng ông Nguyễn Quang Nga vẫn nhớ rõ về nông trường chè Quyết Thắng và thời kỳ có một giám đốc chẳng giống ai. Đó là năm 1986 khi ông Nga là phó Chủ tịch huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phụ trách kinh tế và các nông lâm trường.

Rệu rã hoạt động sản xuất, đời sống công nhân nông trường khó khăn, lúc đó, một người được đưa về với trọng trách vực nông trường chè, cải thiện sản xuất và khí thế làm việc. Người đó là Nguyễn Bá Thanh.

{keywords}

Ông Bá Thanh chọn cách đến tận cơ sở để mắt thấy, tai nghe

Trong ký ức của ông Nga, những ngày đó, Quyết Thắng sản xuất không có đầu ra, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Công nhân khi hay tin có giám đốc mới về không tin đủ sức vực nông trường sống lại.

Ông về còn khiến ban giám đốc cũ khó chịu. Một số lãnh đạo cũ của nông trường và công nhân bảo còn lén nói với phó Chủ tịch huyện “để xem ông Bá Thanh giỏi cỡ mô. Ai nói cũng giỏi nhưng chẳng có mấy ai làm nồi cơm anh em công nhân đầy lên được” – ông Nga kể lại.

Vực một nông trường chè rệu rã, ông Bá Thanh có ‘chiêu’ nào đặc biệt? –- Tôi hỏi.

Ông Nga nhớ ngày đầu tiên xuống nông trường dự bàn giao công việc, hình ảnh đập vào mắt là một người trung niên phong trần, nước da ngăm đen, luôn nhìn thẳng, gương mặt cương trực, nói năng thẳng tưng không rào trước đón sau.

Vừa nhận bàn giao công việc hôm trước, hôm sau ông Bá Thanh cưỡi xe Honda 67 xuống cơ sở, đi đến từng nhà công nhân, rồi đến từng đội sản xuất.

Một tháng sau, ông Nga đến nông trường làm việc để nắm tình hình nhưng không gặp được ông Bá Thanh.

Hỏi cán bộ nông trường mới hay ông Bá Thanh không ngồi trong phòng làm việc, suốt ngày cưỡi xe Honda 67 long nhong xuống các đội sản xuất và ở lì lại đó chẳng chịu về.

Những ngày đó tìm gặp ông Thanh vô cùng khó khăn. Bởi ông đâu có ở yên một chỗ. 

Hơn 3 tháng sau, ông Nga lại đến nông trường tìm giám đốc nông trường chè.

Lúc này ông Bá Thanh chia sẻ những khó khăn thực tế và quyết định phải thay đổi.

Tình hình khó khăn, chè bán không ai mua, anh em công nhân đói, nông trường có nguy cơ phá sản. Tôi quyết định cho công nhân ở 2 đội sản xuất chuyển sang việc khác để kiếm sống đã. Mọi việc tính sau” -  ông Bá Thanh nói với ông Nga.

Ngay sau cuộc làm việc, ông Nga về báo cáo với huyện ủy và UBND huyện Hiên việc ông Thanh cho công nhân 2 đội sản xuất chè nghỉ chuyển sang việc khác. Lãnh đạo huyện ai cũng lo.

Vì quá lo lắng, nên huyện ủy và UBND huyện yêu cầu tôi phải tăng cường bám nông trường chè Quyết Thắng để báo cáo và chỉ đạo kịp thời ”- ông Nga kể lại.

Sau đó vài tháng, ông Thanh gặp lại ông Nga và thông báo quyết định cho công nhân 2 đội sản xuất chè chuyển sang khai thác vàng sa khoáng ngay trên đất của nông trường.

Ông Thanh bảo không thể để anh em công nhân chết đói. "Chè sản xuất ra bán không ai mua thì sản xuất làm chi? Tôi quyết định tạm thời chuyển công nhân 2 đội sản xuất của nông trường sang khai thác vàng để kiếm sống đã, tính sau. Sai tôi chịu trách nhiệm"”.

Chuyện này ông Đinh Ngọc Sử, nguyên Chủ tịch huyện Hiên nhớ ông cũng đầy lo lắng, liền báo cáo Bí thư huyện B’ríu B’răm.

Nhiều cuộc họp liên tục sau đó về nông trường chè Quyết Thắng được huyện ủy triệu tập mổ xẻ.

Thời điểm đó nhiều người ở bên ngoài cho là ông Thanh xé rào, vi phạm pháp luật. Hơn 3 năm sau, với sự quyết đoán và tính cách dám làm dám chịu của ông, nông trường chè Quyết Thắng được vực dậy và phát triển, đời sống công nhân được đảm bảo”.                                                   

Ông Nga khẳng định câu chuyện ông Bá Thanh vừa làm giám đốc nông trường vừa làm chủ bưởng” vàng lúc đó như đồn thổi không đúng sự thật.

Tiếp: Chuyện ông Bá Thanh đòi đất cho dân từ tay quan tham

Vũ Trung