- Chưa đầy một tháng sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hôm nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm quốc gia láng giềng kéo dài 3 ngày (12-14/1).


Tần suất dồn dập trao đổi chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chọn Campuchia là điểm “khởi hành” đầu 2014 có những ý nghĩa.

Chuyến thăm làm việc tại Campuchia lần này của Thủ tướng Việt Nam nhằm thể hiện sự coi trọng quan hệ đặc biệt giữa hai nước, tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và đầu tư.

Kỳ vọng hợp tác kinh tế

Tăng cường, thắt chặt quan hệ chính trị làm nền tảng chủ đạo chung cho toàn cục quan hệ song phương, khoảng cách tiếp nối giữa hai chuyến thăm cấp cao cũng cho thấy nỗ lực của hai phía trong việc thúc đẩy quan hệ song phương phát triển thực chất, với tiêu điểm là kinh tế.

{keywords}

Thủ tướng Hun Sen trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 12/2013. Ảnh: Minh Quang

Hơn nửa trong số 10 hiệp định, thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen cuối tháng 12/2013 cho thấy những tham vọng của hai bên về thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư.

Kim ngạch thương mại mục tiêu dự kiến đạt 5 tỷ USD vào năm 2015 không phải là mục tiêu xa vời. Con số này của năm 2013 đã chạm 3,5 tỷ USD, cao hơn năm trước đó 17%. Thỏa thuận thúc đẩy thương mại giai đoạn 2014-2015 vừa ký kết là cơ sở để hai bên đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại song phương.

Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia là một mảng hợp tác đầy ấn tượng, một địa bàn thị trường mà các doanh nghiệp của Việt Nam tự tin về các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Không ít nhà đầu tư của Việt Nam đã thành công tại Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn góp phần đưa kim ngạch thương mại tăng cao như Vietnam Airlines, Viettel, BIDV, các công ty cao su...

Con số thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) cho thấy kết quả đầu tư ấn tượng. Tính đến hết 2013, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đã đạt trên 3 tỷ USD với 126 dự án, gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với trước năm 2010. Việt Nam được xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Các hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trồng cây công nghiệp; khai khoáng; thăm dò, tìm kiếm và kinh doanh sản phẩm dầu khí; phát triển nguồn điện; viễn thông; tài chính, ngân hàng...

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng thúc đẩy đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm như tài chính ngân hàng, nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, khai khoáng, trồng cây công nghiệp, thủy điện, du lịch, thương mại, tăng đầu tư trực tiếp vào Campuchia lên trên 4 tỷ USD.

Một trong những dự án hai bên sẽ tập trung thời gian tới là xây dựng cầu Long Bình-Chrây Thom, trở thành cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, góp phần thúc đẩy giao thương giữa hai nước.

Khoảng cách địa lý gần gũi, không rào cản visa, những di sản văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng thế giới nằm trong lòng hai nước là cơ sở để hai bên cùng khai thác tiềm năng hợp tác du lịch to lớn. Thủ tướng Hun Sen trong chuyến thăm Việt Nam đã điểm chỉ đây là một khía cạnh hợp tác mà hai nước cần khai thác tối đa thời gian tới.

Những cam kết chính trị của người đứng đầu hai Chính phủ về đảm bảo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hai nước thúc đẩy giao thương đã được nhắc không ít lần. Một trong những cơ chế được doanh nghiệp hai bên đang kỳ vọng là hai nước sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia ở Hà Nội cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Hun Sen không chỉ lắng nghe những kiến nghị từ các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn có lời mời tất cả các nhà đầu tư đến thăm Campuchia để đánh giá những dự án hiệu quả và xem xét cơ hội đầu tư.

Ông cam kết sẽ hỗ trợ ở mức cao nhất nhằm mở rộng và thiết lập môi trường đầu tư tốt, ổn định cho các doanh nhân nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Xuân Linh