- Nhìn vào kết quả chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2012, chính người làm trực tiếp cũng băn khoăn về điểm số cao cho việc cải cách thủ tục.


Vốn được công bố ngắn gọn tại phiên họp Chính phủ ngày 25/1, PAR Index lần đầu tiên thực hiện cho kết quả Bộ Tư pháp xếp hạng cao nhất trong số 19 bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ, trong khi Bộ Y tế xếp cuối bảng. Bộ Nội vụ xếp thứ 12. Bộ Công an và Quốc phòng không có mặt trong lần đánh giá này do không thống nhất tiêu chí.

{keywords}
Vụ trưởng Vụ CCHC Đinh Duy Hòa: Tiếng kêu về thủ tục phiền hà vẫn nhiều

Về các địa phương, Đà Nẵng dẫn đầu trong khi Điện Biên đứng thứ 63. TP.HCM đứng thứ 3, Hà Nội thứ 7.

PAR Index có mục đích theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng, lượng hóa kết quả triển khai cải cách hành chính (CCHC) hàng năm của các bộ ngành và địa phương. PAR Index được xác định theo phương pháp tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, tỉnh thành theo thang điểm quy định. Bộ Nội vụ thẩm định với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học.

Sẽ có chỉ số khác đo sự hài lòng

Sau khi PAR Index được công bố, các bộ đứng cuối đã liên hệ để làm việc với Bộ Nội vụ nhằm cải thiện vị trí, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ cho biết tại hội nghị về PAR Index ngày 17/3.

"Bộ Y tế, LĐ-TB-XH đề nghị làm việc với Bộ Nội vụ. Bộ GTVT cũng muốn làm việc giữa hai đơn vị. Bộ Tài chính cho biết sẽ tổ chức hội nghị thông báo kết quả này", ông Hòa cho rằng PAR Index có tác động nhất định so với cách đánh giá lâu nay là chỉ khen những nơi làm tốt mà không nhắc gì đến các nơi làm kém.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ phó Vụ CCHC, cũng cho biết: "Những bộ xếp hạng thấp có trao đổi với Bộ Nội vụ để tìm nguyên nhân, Bộ Nội vụ đã chứng minh tại sao và họ cũng thừa nhận".

Theo ông Hùng, tác động tích cực của kết quả này thể hiện ở việc các bộ ban hành kế hoạch, họp rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, đặc biệt là chưa bao giờ Bộ Nội vụ nhận được nhiều kế hoạch CCHC của các tỉnh như cuối năm 2013 vừa rồi.

"Chúng tôi kỳ vọng khi chỉ số này cao sẽ đồng nghĩa với việc người dân được hưởng sự phục vụ tốt của các cơ quan hành chính. Đó là mong muốn, nhưng chuyển biến của nền hành chính không chỉ là việc riêng của CCHC mà còn nhiều yếu tố tác động", ông Phạm Minh Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết sẽ sớm có một chỉ số khác đo sự hài lòng của người dân đối với nền hành chính, dự kiến triển khai trong năm nay.

Tự chấm điểm cao, dân vẫn kêu

Câu chuyện tương xứng giữa tự đánh giá của bộ ngành, địa phương với thực tế phục vụ tại các cơ quan công quyền cũng là băn khoăn của ông Đinh Duy Hòa.

Trong 7 yếu tố đánh giá ở cả các bộ và các tỉnh thành, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được điểm cao nhất, trong khi nâng cao chất lượng đội ngũ thấp điểm nhất. Theo ông Hòa, chất lượng đội ngũ điểm thấp là hiểu được vì con người luôn là vấn đề khó, nhưng cải cách TTHC mà điểm cao thì "chưa sát cuộc sống".

"Cách đây 4 tháng, tất cả các bộ đều báo cáo hoàn thành các phương án đơn giản hóa TTHC mà Chính phủ yêu cầu. Nhưng tiếng kêu về TTHC phiền hà vẫn nhiều. Vậy số liệu thực hiện là 'ngon lành' nhưng trên thực tế là không. Vì hầu hết là tự rà soát, điều chỉnh, bổ sung trong nội bộ cơ quan, thể hiện được rất ít mong muốn của bên ngoài", ông Đinh Duy Hòa cho biết chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận xét như vậy.

{keywords}
Các bộ và địa phương đều tự chấm điểm cao nhất cho việc cải cách thủ tục hành chính ở cơ quan mình. Nguồn: PAR Index

Vụ trưởng CCHC chỉ ra: Các bộ, tỉnh thành khi chấm điểm đều thấy có kế hoạch, có công bố, rà soát, có kiểm tra, nhưng người dân không quan tâm chuyện đó, họ chỉ cần biết đến cơ quan nhà nước phải làm những thủ tục gì.

"Chúng ta vẫn nặng về đánh giá trên văn bản, giấy tờ. Đó là việc về lâu dài phải tính, phải cải tiến, cải thiện nhiều", ông Đinh Duy Hòa nói.

Chung Hoàng