Thu tiền tỷ từ mô hình “2 lúa, 1 màu”

Sinh ra trong gia đình thuần nông, ngay từ khi còn nhỏ anh Nguyễn Công Danh ở ấp Thới Phước, xã Tân thạnh (Thới Lai, Cần Thơ) đã quen với công việc đồng áng. Khi trưởng thành, nhờ đi làm thuê làm mướn khắp nơi, anh mua được 6ha đất để trồng lúa.

Song, chưa được hưởng thành quả sau bao năm tích cóp tiền mua đất trồng lúa, anh lại phát hiện đất đai sẽ ngày càng bạc màu nếu cứ trồng 3 vụ lúa liên tiếp. Lượng phân thuốc bón lúa vụ sau đều nhiều hơn vụ trước nhưng năng suất lại ngày một giảm đi, thu nhập bấp bênh.

Mãi đến năm 2000, anh quyết định thí điểm đưa cây dưa hấu xuống ruộng trồng thử. Bởi anh thấy bà con nông dân ở nhiều vùng khác luân canh 2 lúa – 1 màu rất hiệu quả vì cây dưa hấu vừa có năng suất cao, lại giúp cải thiện độ màu mỡ của đất.

{keywords}
Quyết định làm "2 lúa. 1 màu', anh Danh đã thành công khi đưa cây dưa hấu xuống ruộng

Anh bắt đầu làm 3 liếp dưa trên ruộng lúa với các chế độ chăm sóc khác nhau. Lúc thu hoạch, anh chọn ra được liếp dưa đạt năng suất cao nhất để áp dụng trồng đại trà.

Cũng vào năm đó, sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, thay vì tiếp tục xuống giống vụ xuân hè như người dân trong địa phương vẫn làm, anh chọn cách chuyển đổi 1,3 ha đất sang trồng dưa hấu. Dùng máy gặt đập liên hợp cắt sát gốc lúa rồi tiến hành làm đất, chia rãnh đào đường nước tưới tiêu. Trên bề mặt đất, anh phủ một lớp rơm sau đó tiến hành gieo hạt.

Cây dưa được khoảng 1 tuần tuổi bắt đầu tưới phân, 10-12 ngày bón phân tống gốc và tiếp tục cho đến lúc dây dưa ra trái. Tất cả các loại phân, thuốc đều được ngừng sử dụng trước khi thu hoạch 7 ngày nhằm đảo bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm dưa khi bán ra thị trường.

Bắt đầu từ năm ngoái, do thời tiết diễn biến thất thường, anh đã chuyển sang trồng dưa hấu sử dụng màng phủ. Dù chi phí theo mô hình này ban đầu khá cao, song đổi lại dưa hấu cũng cho năng suất cao hơn hẳn cách làm truyền thống của anh trước kia.

"Thu hoạch xong, nhờ có thời gian phơi khô đất, lượng phân còn sót lại cộng với cây dưa phân hủy sẽ trả lại lượng chất hữu cơ đáng kể cho đất". Anh nói và cho biết, nếu trồng lúa 3 vụ phải bón mỗi công 50kg phân thì luân canh 2 lúa - 1 dưa hấu, chỉ cần 30kg mà năng suất lúa lại cao hơn.

Theo anh, dưa hấu chỉ trồng khoảng 55-57 ngày là cho thu hoạch, trong khi lúa mất khoảng 90 ngày. Năm suất dưa trung bình đạt từ 2,7-3,1 tấn/công, với giá bán dao động 3.200-5.500 đồng/kg, trừ chi phí còn lời 5-7 triệu đồng/công (khoảng 50-70 triệu đồng/ha), cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Chưa kể, thu hoạch xong, nhờ có thời gian được phơi đất, phân và cây dưa được phân huỷ trả lại lượng chất hữu cơ cho đất nên đất đai màu mỡ hơn.

“Trước kia trồng lúa 3 vụ phải bón mỗi công 50kg phân, giờ luân canh 2 lúa - 1 dưa hấu, tôi chỉ cần bón 30kg phân/công mà năng suất lúa lại cao hơn”. Anh Danh tiết lộ, nhờ mô hình luân canh “2 lúa, 1 màu” hiệu quả, gia đình anh cuộc sống bấp bênh đã vươn lên khá giả, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

{keywords}
Thu được tiền tỷ từ mô hình "2 lúa, 1 màu", anh Danh (áo xanh) còn hướng dẫn nhiều người nông dân trong xóm mình cùng làm theo để có thu nhập ổn định hơn

Giúp cả xóm thoát nghèo

Sau khi thành công với mô hình “2 lúa, 1 màu”, anh Danh đã tận tình hướng dẫn bà con trong vùng cách làm mới mẻ này.

Năm 2015, địa phương thành lập Tổ hợp tác “2 lúa, 1 màu”, gồm 33 thành viên (nay đã tăng lên 37 thành viên), với tổng diện tích hơn 42 ha. Anh Danh làm tổ trưởng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người nông dân trong vùng đưa cây màu xuống ruộng.

Ngoài hỗ trợ kỹ thuật luân canh lúa - dưa, anh còn đứng ra bảo lãnh cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn mướn đất, mua thiếu phân thuốc đến cuối vụ mới thanh toán, từ đó giúp đỡ hàng chục tổ viên thoát nghèo bền vững.

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần thơ, cho biết: “Điều đáng quý, đáng trân trọng ở anh Danh là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ người khác, chia sẻ kinh nghiệm, xem những khó khăn của nông dân, đặc biệt là các thành viên trong tổ như là khó khăn của mình nên luôn nhiệt tình giúp đỡ”.

Đề cập về mô hình “2 lúa, 1 màu” mà hình đang thực hiện, anh Trần Văn trung ở ấp Phước Thới 1 chia sẻ, trước kia gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác, sông bằng nghề chăn vịt. Nhưng nhờ anh Danh đứng ra bảo lãnh cho thuê đất, mua giống cũng như phân bón gia đình anh làm lúa và dưa hấu mà gia đình anh đã thoát cảnh đói nghèo, xây được nhà mới, mua thêm được đất đai để mở rộng mô hình sản xuất.

Bài: Lê Thị Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV