Thu tiền tỷ, xây biệt thự to trên núi

Không còn hình ảnh những nương ngô, nương sắn, những năm gần đây về bản Cáo A, xã Làng Chếu (Bắc Yên, Sơn La) sẽ thấy núi rừng được phủ xanh bởi cây táo sơn tra sai trĩu qua, đang chín vàng ươm.

Dẫn chúng tôi ra vườn sơn tra cách nhà khoảng 15 phút đi bộ, ông Sồng A Mang ở bản Cáo A khoe năm nay táo được mùa, quả to, nhà ông đang thu hoạch được một nửa diện tích.

Vừa đi thăm vườn táo ông vừa kể, trước kia, ở khu vườn trồng sơn tra này được ông trọc lỗ trồng ngô, lúa. Song năng suất không cao nên cuộc sống gia đình ông quanh năm thiếu đói. Có những năm chịu đói suốt 2 tháng ròng, phải vào rừng tìm cái ăn sống qua ngày hoặc đi làm thuê.

{keywords}
Táo sơn tra trở thành cây trồng chủ lực trên vùng Bắc Yên, giúp người dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo

Mãi đến năm 2002, khi có chính sách chuyển đổi đất ngô, lúa sang cây sơn tra, ông quyết định chuyển một phần nương rẫy sang trồng loại cây này. Kết quả, 4 năm sau cây sơn tra cho lứa quả đầu tiên, ông hái bán và thu được khoảng gần 20 triệu đồng.

“Hồi đó số tiền ấy cực lớn, tôi chưa bao giờ được cầm nhiều tiền đến thế”. Ông cho biết, cũng nhờ số tiền đó mà gia đình ông bớt khó khăn, đã tạm đủ ăn đủ mặc. Đến năm 2008, ông thu được hàng trăm triệu đồng từ tiền bán sơn tra, chính thức thoát khỏi cảnh nghèo đói, bắt đầu có chút tiền dư giả.

Theo ông Mang, trồng sơn tra nhàn, mất rất ít công chăm sóc, chỉ vất vả trong mùa thu hoạch quả đem bán. Thế nên, những năm gần đây, dưới tán cây sơn tra ông còn trồng thêm cây dong riềng, mua xe tải để đi thu mua táo mèo, dong riềng của bà con trong vùng về chế biến.

Năm ngoái, sau khi trừ hết các chi phí, ông Mang thu lãi khoảng gần 800 triệu đồng từ tiền táo mèo, dong riềng và bật mí đã xây được căn nhà 2 tầng to như biệt thự trên núi với số tiền trên 1 tỷ đồng.

Tương tự, ông Phàng A Hờ ở bản Cáo B cũng cho biết, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc chủ yếu vào trồng ngô và lúa nương, đất đai bạc màu, giá trị kinh tế không cao nên nên cái nghèo bao năm vẫn đeo bám. Song, từ khi chuyển sang trồng cây sơn tra cuộc sống gia đình ông sung túc hơn. 

Với 4ha trồng sơn tra, sau khi trừ hết chi phí trồng, chi phí sinh hoạt, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được khoảng trên 100 triệu đồng, thành hộ khá giả ở trong bản.

{keywords}
Nhờ trồng sơn tra thu quả, gia đình ông Mang thành tỷ phú 

Đẩy mạnh trồng sơn tra giúp dân thoát nghèo

Sơn tra là loại cây mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 1.500 đến 2.000m. Ở những nơi càng cao, quả sơn tra có màu vàng tươi, thơm hơn và có vị chua ngọt độc đáo.

Những năm gần đây, nhu cầu táo sơn tra trên thị trường tăng mạnh, sơn tra nhờ đó được giá và trở thành cây trồng chủ lực ở một số huyện của tỉnh Sơn La, trong đó có huyện Bắc Yên.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bắc Yên cho biết, toàn huyện Bắc Yên hiện có 2.320 ha cây sơn tra, trong đó có 1.129 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 2.450 tấn; giá bán vụ vừa qua trung bình từ 7.000-10.000 đồng/kg. 

Huyện đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp sơn tra Bắc Yên xây dựng vườn ươm cây sơn tra ghép lưu vườn, quy mô 1,4 ha, công suất gieo ươm đạt trên 30 vạn cây/năm. Trong đó, sử dụng các cây trội để ghép cải tạo và trồng sơn tra giống ghép, tạo sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng và tổ chức quản lý giống theo chuỗi. Năm 2019, tỉnh giao kế hoạch xuất khẩu 380 tấn, các xã đăng ký xuất khẩu trên 550 tấn, trong đó 59 hộ và 1 HTX đăng ký trên 190 ha.

Trước đó, ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cũng cho hay, Bắc Yên là một trong những huyện có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển của cây sơn tra. Thời gian vừa qua, huyện Bắc Yên đã lựa chọn cây sơn tra là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Táo sơn tra đang trở thành cây giữ đất, giữ rừng, xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Không chỉ là cây trồng chủ lực giúp đồng bào người dân tộc Mông xoá đói giảm nghèo, hiện nay, Bắc Yên cùng 2 huyện khác ở tỉnh Sơn La là Thuận Châu, Mường La sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây sơn tra với diện tích dự kiến sẽ tăng lên 27.800 ha, sản lượng trên 213.000 tấn.

Đồng thời, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh các chuỗi sản xuất liên kết để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu quả sơn tra, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân trong tỉnh. Mục tiêu năm 2019, tỉnh này sẽ xuất khẩu 1.000 tấn quả sơn tra đi các nước.

Bài: Lê Thị Hạnh - Nhóm PV
Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV