- Sáng nay, tại Đại hội Đảng 12, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có bài tham luận với chủ đề "Công đoàn VN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

VietNamNet giới thiệu bài tham luận quan trọng này:

Hòa cùng khí thế thi đua sôi nổi của quân và dân cả nước, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, những ngày qua, CNVCLĐ trong các cơ quan, nhà máy, công trường, hầm mỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên mọi miền Tổ quốc, đang ra sức thi đua lao động sáng tạo, với năng suất chất lượng, hiệu quả cao, lập thành tích xuất sắc dâng lên Đại hội lần thứ XII của Đảng, thể hiện sự quyết tâm, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và tin tưởng Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ đề ra những quyết sách đúng đắn, lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”  theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hôm nay tại diễn đàn trọng thể này, tôi xin thay mặt cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam với trên 9 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước xin gửi đến toàn thể quý vị Đại biểu và Đại hội lời kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc, chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Chúng tôi bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với những nội dung cơ bản trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội Đảng. Trong suốt quá trình thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội, người lao động trong cả nước đều đồng thuận cao, khẳng định Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học có chất lượng, thể hiện rõ tính Đảng, tính giai cấp và tầm cao của trí tuệ, phản ánh đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm của quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; nhất trí về những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới, phù hợp với thực tiễn, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người lao động, của nhân dân để đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

{keywords}
Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng. Ảnh: Phạm Hải

Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc và luôn hoàn thành sứ mệnh của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân được tập hợp, tôi luyện và nhân lên sức mạnh của mình trong tổ chức Công đoàn và liên minh công nhân – nông dân – trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của GCCN và của người lao động luôn tin tưởng và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, vận động cán bộ, đoàn viên đi tiên phong trong thực hiện chủ trương đường lối của Đảng; Vận động, tổ chức và tập hợp trí tuệ của người lao động tham mưu với Đảng trong việc đề ra đường lối chủ trương đúng đắn, sáng tạo; tham gia với Nhà nước xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường đối thoại xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ tại doanh nghiệp.

Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, liên tục, sôi nổi, rộng khắp, góp phần quan trọng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tiến trình phát triển của đất nước.

Những thành tựu của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam đạt được là hết sức quan trọng, song thực tế vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Tình trạng việc làm của CNLĐ còn gặp nhiều khó khăn, cường độ làm việc rất cao, điều kiện lao động ít được cải thiện, tai nạn lao động vẫn gia tăng. Đặc biệt là tiền lương, thu nhập của người lao động chưa tương xứng với cường độ và thời gian lao động, đời sống gặp vô vàn khó khăn; lao động nữ ít có điều kiện xây dựng hạnh phúc gia đình, thiếu nhà trẻ mẫu giáo để gửi con; vấn đề ngộ độc thực phẩm bữa ăn công nhân có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động là điều rất đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt tinh thần cũng rất thiếu thốn, tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn diễn ra phổ biến. Tranh chấp lao động và đình công trong công nhân lao động có nhiều diễn biến phức tạp. Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, giác ngộ chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và sự am hiểu chính sách pháp luật của CNLĐ còn hạn chế. Năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn chưa cao.

Trong thời gian tới, chúng ta đang đứng trước thử thách rất to lớn phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quốc gia trong điều kiện Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông, cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu ngày càng gay gắt, quan hệ lao động có xu hướng phức tạp, "âm mưu diến biến hòa bình", chống phá của các thế lực thù địch vẫn âm mưu chống phá cách mạng, chống phá Công đoàn Việt Nam; yêu cầu vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngày càng lớn và cấp bách, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, có thể xuất hiện tổ chức đại diện người lao động ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng tồn tại hoạt động. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với tổ chức Công đoàn mà còn đối với cả hệ thống chính trị nếu tổ chức Công đoàn hoạt động yếu kém, không hiệu quả.

Nếu không tập trung xây dựng được tổ chức công đoàn vững mạnh, để công đoàn phát huy tốt vai trò của mình thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức sống của Đảng, tiềm ẩn những nguy cơ xói mòn, trực diện vào cơ sở xã hội quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị. Do vậy, để tổ chức công đoàn thực sự trở thành cơ sở xã hội vững chắc của Đảng, người cộng tác đắc lực của Nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tại diễn đàn Đại hội quan trọng này, chúng tôi trân trọng đề nghị:

Một là, phải luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phải đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, cơ hội biến chất, xu nịnh, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để bảo đảm vai trò lãnh đạo cầm quyền và Đảng cần phải thực sự chăm lo xây dựng bền vững cơ sở giai cấp, cơ sở quần chúng và cơ sở tổ chức của Đảng. Kết nạp những công nhân ưu tú, những người mang bản chất của giai cấp công nhân thật sự.

Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đường lối, chiến lược của Đảng, đặc biệt là đến lòng tin của GCCN, đối với Đảng và cả hệ thống chính trị. Hơn lúc nào hết phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh " Đảng Cộng sản không mang bản chất GCCN, không đứng trên lập trường của GCCN thì không còn là một Đảng tiên phong cách mạng".

Đảng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phát triển Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong công nhân, nhất là ở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước vì hiện nay hệ thống chính trị trong công nhân lao động rất mỏng, vẫn có nhiều cơ sở còn trắng tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên và thậm chí cả công đoàn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ những công nhân ưu tú nhằm không ngừng bổ sung cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, những cán bộ vừa hồng vừa chuyên trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

Hai là, Đảng cần tập trung lãnh đạo việc tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT - TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Vấn đề cốt lõi của xây dựng giai cấp công nhân không chỉ đơn thuần là phát triển số lượng mà là phải tạo cho được sự phát triển về chất lượng chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, xây dựng tác phong công nghiệp. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả chính sách đào tạo, đào tạo lại để công nhân có trình độ chính trị, học vấn chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước.

Lãnh đạo việc tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách tiền lương, tiền công, các chính sách phúc lợi và dịch vụ xã hội, đảm bảo cho giai cấp công nhân thực hiện tốt vai trò vừa là chủ thể của quá trình CNH - HĐH đất nước vừa được thụ hưởng những thành quả của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước tương xứng với sự đóng góp của họ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội.

Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, luật công đoàn, bảo hộ lao động, các chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, bất luận đó là chủ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào, không vì thu hút đầu tư mà xem nhẹ quyền lợi của công nhân, lao động.

Ba là, cần quan tâm hơn nữa và đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn. Bởi thực chất quan tâm đến Công đoàn là quan tâm tới mặt chính trị, xã hội của sản xuất, để đảm bảo sản xuất kinh doanh phát triển, xã hội tiến bộ, chính trị ổn định. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp nhất đến sự lớn mạnh của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cần thường xuyên tiếp xúc, làm việc, lắng nghe, đối thoại và giải quyết kịp thời những ý kiến kiến nghị của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Quan tâm lãnh đạo để có những quyết sách mạnh nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tổ chức, hoạt động công đoàn, nhất là về cơ chế tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện và sự chủ động trong tuyển chọn, sử dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ phong trào công nhân, để Công đoàn hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thực hiện tốt vai trò giám sát và  phản biện xã hội của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Và điều cuối cùng cho phép tôi thay mặt 9 triệu đoàn viên và tổ chức Công đoàn Việt Nam xin cảm ơn Đảng cộng sản Việt Nam, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và luôn quan tâm đến hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đặc biệt chúng tôi bày tỏ sự kính trọng và vô cùng biết ơn đồng chí Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh của người lãnh đạo, khi lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại.

Ngay lập tức Chủ tịch nước lên tiếng “Hoàng Sa, Trường Sa do tổ tiên Việt Nam là người đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền”; và phát biểu của Thủ tướng tại Philipinnes “ Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng tôi luôn mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị, để xây dựng, phát triển đất nước và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Những tuyên bố trên đã làm nức lòng hàng triệu đảng viên và nhân dân cả nước, là niềm tự hào dân tộc. Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta tuy nhỏ nhưng ý chí và quyết tâm giữ vững chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc là không nhỏ, là không giới hạn. Đảng ta, nhân dân ta rất cần những nhà lãnh đạo đầy khí phách và bản lĩnh như vậy.

Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, CNCCVCLĐ cả nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam nguyện quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và giai cấp công nhân, đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cùng toàn Đảng,toàn quân, toàn dân đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng XHCN.

Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam