Sáng nay, Hội nghề cá Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối phía tàu Trung Quốc cướp hải sản đánh bắt được của ngư dân nước ta.

Theo đó, Hội nghề cá Việt Nam nhận được báo cáo của Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam về việc, khoảng 13h30 ngày 2/6, tàu cá QNa 91441 của ngư dân Trần Văn Nhân (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) trong khi đang neo đậu nghỉ trưa tại khu vực cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 22 hải lý, thì bất ngờ một tàu sắt sơn màu trắng, treo cờ Trung Quốc, số hiệu 46305 cập đến áp sát, cho người leo lên tàu đe dọa tính mạng thuyền viên.

{keywords}
Tàu ngư dân Quảng Nam bị cướp 2 tấn mực khô

Những người trên đã lấy đi 2 tấn mực khô của ngư dân tàu cá Việt Nam khai thác được, trị giá hơn 250 triệu đồng.

Trước hành động trên, Hội nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược của phía tàu Trung Quốc, đã cướp phá tài sản của ngư dân Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Những hành động trên đã gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên ngư trường truyền thống của Việt Nam.

{keywords}
Ông Nhân trình báo tại Đồn Biên phòng cảng Kỳ Hà toàn bộ sự việc

Hội nghề cá đề nghị nhà chức trách phản đối mạnh mẽ với phía Trung Quốc và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn hành động cướp phá trên biển, bảo vệ tài sản, sự an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo tổ quốc.

Trước đó, ngày 7/6, ngư dân Trần Văn Nhân sau khi vừa cập cảng Kỳ Hà đã đến Đồn biên phòng cửa khẩu này trình báo về việc bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp đi 2 tấn mực khô, trị giá 250 triệu đồng.

Việt Nam lên tiếng về tàu Trung Quốc cào nghêu phá hoại môi trường Biển Đông

Việt Nam lên tiếng về tàu Trung Quốc cào nghêu phá hoại môi trường Biển Đông

Việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền của các quốc gia ven biển, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Lê Bằng