BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Hương sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần hồi 10h10 ngày 11/6 tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, hưởng thọ 97 tuổi.

Lễ tang ông Trần Quốc Hương với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.

{keywords}
Nhà tình báo Trần Quốc Hương qua đời

Linh cữu ông Trần Quốc Hương quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Lễ viếng từ 14h ngày 15/6; lễ truy điệu vào hồi 9 giờ ngày 17/6; sau đó di quan, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Ban lễ tang Nhà nước gồm 21 người, do uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban.

Ông Trần Quốc Hương (tên khai sinh là Trần Ngọc Ban); bí danh Mười Hương (các bí danh khác: Lý, Trang); sinh ngày 20/12/1924; quê quán xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam); thường trú tại số nhà 204/19 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng năm 1943; Ông đã giữ các chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng khoá 6; uỷ viên BCH Trung ương Đảng các khoá 4, 5, 6; Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM; Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội; Phó Chủ nhiệm thứ nhất UB Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ); Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Trên 80 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 75 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

TÓM TẮT TIỂU SỬ ÔNG TRẦN QUỐC HƯƠNG

Ông Trần Quốc Hương tham gia cách mạng từ năm 1937, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân chủ, phản đế và sau đó là uỷ viên BCH thanh niên Cứu quốc Hà Nội.

Năm 1942, ông bị Thực dân Pháp bắt trong cuộc đấu tranh ủng hộ Liên Xô, giam ở Hoả Lò, Hà Nội. Trong tù, ông giữ vững khí tiết của người cách mạng, được anh em và tổ chức tin cậy.

Năm 1943, ra tù ông bắt được liên lạc hoạt động ngay và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), sau khi học xong lớp do Xứ uỷ mở, ông được phân công về làm Tỉnh uỷ viên, Tỉnh uỷ Phúc Yên.

Năm 1944, ông về Ban Công tác đội của Thường vụ Trung ương lo căn cứ địa (ATK) và làm phái viên liên lạc với những đầu mối đặc biệt thuộc Trung ương (các tổ chức văn hoá, các nhóm người Âu dân chủ, Thành uỷ Hà Nội).

Từ tháng 8/1945, ông làm Thư ký, phụ trách Văn phòng của Tổng Bí thư; năm 1946, ông trong Ban Công vận Thành uỷ, làm Bí thư Hội Công nhân Cứu quốc Hà Nội và phụ trách Nhà in Tiến Bộ, Báo Cờ giải phóng, Nhà xuất bản Sự thật của Trung ương.

Tháng 12/1946 đến năm 1948, phụ trách căn cứ địa và giao thông liên lạc của Trung ương.

Năm 1949, ông công tác ở Cục Tình báo quân sự, Bộ Tổng tham mưu, làm đặc phái viên ở Liên khu 3 và Hà Nội.

Năm 1950, ông được điều động về phụ trách Phòng Điệp báo Nha Công an, sau làm Phó Giám đốc Nha Tình báo Trung ương (tình báo chiến lược).

Năm 1954, ông được điều động vào Nam Bộ làm Uỷ viên rồi làm Phó ban Địch tình của Xứ uỷ Nam Bộ.

Từ tháng 6/1958, ông bị đoàn công tác đặc biệt miền Trung của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở Huế, Ông đã khai tên giả là Trần Ngọc Trí và đấu tranh chống lại các thủ đoạn xảo quyệt của địch, do đó Ban Bí thư đã kết luận: "Đồng chí Trần Quốc Hương, tức Mười Hương, là một cán bộ tốt, kiên cường, khôn khéo đối với địch khi bị chúng bắt". Đến tháng 5/1964, ông được trả tự do.

Năm 1965, ông được đưa ra miền Bắc chữa bệnh.

Năm 1966 - 1968, ông được phân công về Bộ Công an phụ trách Cục Kỹ thuật.

Năm 1969 – 1972, ông được điều động lại vào miền Nam làm Uỷ viên Ban An ninh miền Nam.

Năm 1972 - 1976, làm Thường vụ Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (tháng 12/1976), ông được bầu vào uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phân công làm Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5 (tháng 3/1982), ông tiếp tục được bầu lại vào uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công làm Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội.

Tháng 11/1983, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm thứ nhất UB Thanh tra Nhà nước.

Cuối năm 1985, làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (12/1986), ông được bầu lại vào uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được BCH Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Tháng 9/1991, ông được Bộ Chính trị quyết định thôi giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương để điều trị bệnh.

Ông là uỷ viên BCH Trung ương Đảng các khoá 4, 5, 6; Bí thư Trung ương Đảng khoá 6.


Thu Hằng - Trần Thường

Nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Hương từ trần

Nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Hương từ trần

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Quốc Hương đã từ trần sáng nay.