- Buồng giam thiết kế chưa cân nhắc đến khí hậu các vùng, miền Bắc có mùa đông lạnh trong khi miền Nam nóng quanh năm.

Buồng giam kiểu nào?

Thảo luận tại tổ chiều nay về dự luật Tạm giữ, tạm giam, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dẫn báo cáo của công an cho thấy một số lượng không nhỏ người chết trong thời gian tạm giữ, tạm giam, do tự sát hoặc do bệnh.

Ông kể khi hỏi cán bộ công an sao không thiết kế buồng giam để người muốn tự sát cũng không thực hiện được, thì họ thừa nhận có những cơ sở chưa thực sự đảm bảo an toàn, thậm chí có người tự sát trong tư thế ngồi.

{keywords}

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng

Từ đây, ĐB yêu cầu quy định rõ trong luật về tiêu chuẩn an toàn khi thiết kế buồng, phòng tạm giữ, tạm giam.

"Cũng cần bổ sung quy định ngay từ khâu sàng lọc ban đầu đã phải tính đến những người có bệnh nguy cơ tử vong bất thường như cao huyết áp, tim mạch... Nếu không bị tạm giữ, tạm giam thì những người đó có chết không, hay vì thiếu thuốc, không được chăm sóc y tế kịp thời nên tử vong" - ông Hùng nêu chi tiết.

Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, ĐB Nguyễn Hoài Phương cũng cho rằng, nếu buồng giam nhỏ, quá gần nhau, có thể thông cung. Một điều đáng lưu ý là các buồng giam thiết kế cũng chưa cân nhắc đến khí hậu các vùng, miền Bắc có mùa đông lạnh trong khi miền Nam nóng quanh năm.

Để phòng chống bức cung, nhục hình, ĐB Trần Đình Long (Đăk Nông) kiến nghị tổ chức nhà tạm giữ, tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an trực tiếp quản lý, bảo đảm tính độc lập với cơ quan điều tra.

Tuy nhiên điều này khiến Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) băn khoăn tính khả thi. Bởi tổ chức dọc là giao cho một tổng cục của Bộ Công an quản lý số lượng phạm nhân trên 100 ngàn, sẽ hết sức vất vả.

Vấn đề tạm giữ, tạm giam với người đồng tính, chuyển giới cũng được đặt ra. Phó chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh cho biết đối tượng này không phổ biến nhưng việc giam giữ họ thế nào đang vướng: Ở chung với nam không được, với nữ cũng không xong, mà ở một mình một phòng thì không quản lý được.

Giám đốc Công an Đồng Nai, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh nói thêm bên hành lang phiên họp rằng nhóm đối tượng này hiện được giam riêng bởi trước đây trong quá trình giam chung đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, chủ yếu liên quan đến tâm sinh lý, quấy rối tình dục.

Tạm giam chưa có tội

Có bồi thường về vật chất và tinh thần trong trường hợp bị oan sai, bị tổn hại sức khỏe do bức cung, nhục hình hay thậm chí do nạn đầu gấu trong trại tạm giữ, tạm giam hay không là vấn đề Trưởng đoàn ĐB tỉnh Cao Bằng Hà Ngọc Chiến nêu.

ĐB cũng phản ánh thực trạng người bị tạm giữ, tạm giam là chưa có tội, vẫn có quyền công dân, nhưng lại bị quản lý, giam giữ khắt khe, ngặt nghèo.

{keywords}

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng lưu ý nhiều trường hợp mới bị tạm giữ, tạm giam cuối cùng hóa ra vô tội, nhưng lại đình chỉ nhiều quyền không đúng luật. Ông dẫn chứng một chủ doanh nghiệp đang giao dịch các hợp đồng bị tạm giam khiến mọi thứ đình đốn. Từ trường hợp này, ông đề nghị người bị tạm giữ, tạm giam bị hạn chế quyền gì, không bị hạn chế quyền gì thì luật phải quy định rõ.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhắc lại nguyên tắc suy đoán vô tội: tạm giam mới là dấu hiệu, chưa phải có tội, nên đây là giai đoạn phải trung thành nguyên tắc suy đoán vô tội. Ý kiến của ông được đông đảo ĐBQH đồng tình đồng thời cho rằng, nếu các quyền này bị vi phạm, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khiếu nại.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh cho hay, trước có thực trạng "cứ nhốt, cho nói gì nói đấy" nhưng giờ người bị tạm giữ, tạm giam phải được quyền khởi kiện những vấn đề thấy bất công.

C.Hoàng - T.Hằng - H.Nhì - T.Hạnh - L.A.Dũng