- Có những bệnh nhân cấp cứu nhưng cũng không được làm xét nghiệm thật mà chỉ được sao chép kết quả xét nghiệm của bệnh nhân khác. Các mẫu máu được lấy không được xét nghiệm đều bị hủy bỏ.

Trao đổi với VietNamNet, chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng ra tố cáo những sai phạm xảy ra tại khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) nói trong nước mắt: “Sự việc xảy ra đã lâu, đơn thư gửi đi cũng đã hơn 2 tháng nhưng vì đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều người lảng tránh, không muốn động chạm vào”.

Bệnh nhân khốn khổ vì bệnh viện làm giả kết quả

Vì “nhân bản” kết quả nên có không ít người bệnh đã phải khốn khổ vì những gì mà Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức làm trong thời gian qua.

 

{keywords}

Chị Hoàng Thị Nguyệt bức xúc lật giở những tư liệu nhằm đưa sự việc ra ánh sáng (Ảnh: C.Q)

Có trường hợp sản phụ bị nhiễm viêm gan B, kết quả dương tính được đưa ra từ một bệnh viện sản tại nội thành Hà Nội.

Đến khi sinh con, sản phụ này chọn sinh ở bệnh viện huyện Hoài Đức thì kết quả xét nghiệm trước sinh cho thấy chị âm tính với virus viêm gan B.

Không tin kết quả này, chị yêu cầu làm lại thì được thông báo dương tính với loại virus này!

Lại có người bệnh xét nghiệm đường huyết, kết quả cho thấy không bị tiểu đường. Nhưng khi lên bệnh viện tuyến trên, kết quả lại hoàn toàn ngược lại.

“Nhiều người nghi ngờ kết quả xét nghiệm nên dù đã làm ở bệnh viện nhưng họ vẫn ra phòng khám tư bên ngoài làm lại cho chắc chắn”, chị Nguyệt thông tin.

Thậm chí, ngay cả với bệnh nhân cấp cứu, chị Nguyệt cũng cho biết nhân viên khoa xét nghiệm chỉ ghép kết quả xét nghiệm máu của người khác vào chứ không làm xét nghiệm thật.

Tính đến hời điểm này, những ghi chép, thống kê của chị (và những người cùng đứng lên chống tiêu cực) cho thấy có trên 1.000 cặp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu giống nhau (tức kết quả của 1.000 người được nhân bản thành của 2.000 người).

“Bệnh viện vừa không mất tiền hóa chất mà vẫn có kết quả trả cho người bệnh, lại trả trong thời gian ngắn, tạo ra sự hài lòng giả tạo, khiến bệnh nhân kéo tới càng đông”, chị bức xúc nói.

Với những người được lấy máu mà không được làm xét nghiệm thật, chị Nguyệt cho biết nhân viên phòng kỹ thuật xét nghiệm đều bỏ các mẫu đó đi (sau đó chép kết quả của người khác vào).

“Có những lam kính máu bị để khô đi rồi bị bỏ vào thùng tiêu hủy, trong khi theo quy định mẫu máu phải được bảo quản và xét nghiệm ngay”, chị nói.

Cụ già 80 tuổi dùng chung kết quả xét nghiệm với cháu bé 22 tháng tuổi

Kết quả thanh tra bước đầu cho thấy có những kết quả xét nghiệm được dùng chung cho những người khác xa nhau về tuổi.

Đó là trường hợp của bà Lương Thị Máng (64 tuổi, ở xã Song Phương) và cháu Nguyễn Quảng (6 tuổi, Lại Yên); cháu Nguyễn Ngọc Diệu (11 tháng tuổi, Tiền Yên) và ông Nguyễn Trí Mạng (66 tuổi, Song Phương); cụ Phạm Sáu (82 tuổi, Cát Quế) và cháu Vương Anh (4 tháng tuổi, Di Trạch); cụ Nguyễn Châu (80 tuổi, Song Phương) và cháu Nguyễn Trang (22 tháng tuổi, Đức Thượng).

Tạm đình chỉ trưởng khoa Xét nghiệm

Sáng 7/8, ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc bệnh viện không có mặt tại cơ quan, người đứng ra trả lời báo chí là bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó giám đốc.

Bà Nhiên đưa ra thông tin: Sáng 7/8, Ban giám đốc bệnh viện đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với trưởng khoa xét nghiệm Vương Thị Kim Thành và kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh để làm rõ các thông tin liên quan.

 

{keywords}

Buồng lấy bệnh phẩm, khoa Xét nghiệm, bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Ảnh: C.Q)

2 người này vẫn thực hiện các công việc chuyên môn tại khoa.

Do số lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện là 200-300 người/ngày nên mọi hoạt động trong khoa xét nghiệm nói riêng và cả bệnh viện nói chung đều được củng cố, duy trì bình thường.

Trả lời câu hỏi về việc lãnh đạo bệnh viện có biết chuyện “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở khoa Xét nghiệm hay không, bà Nhiên cho biết đến tháng 5/2013 mới có đơn thư tố cáo, bản thân bà không biết ai ký trong đơn, cả ban giám đốc cũng không biết thông tin gì về sự việc này cho đến khi thanh tra Sở Y tế xuống thông báo có đơn thư tố cáo.

“Trong các cuộc họp giao ban không có ai phản ánh sự việc”, bà Nhiên nhấn mạnh.

Về việc người tố cáo có bị trù dập hay không, bà Nhiên cũng nói “chưa nghe thông tin gì”.

Khi được hỏi về nhiều vấn đề khác như số lượng hóa chất sử dụng trong ngày, lượng bệnh nhân BHYT, thời điểm mượn máy xét nghiệm của công ty dược đặt trong bệnh viện, …, bà Nhiên đều từ chối trả lời với lý do “không nắm được thông tin” và cho biết mọi chuyện đều phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Xung quanh sự việc này còn rất nhiều uẩn khúc liên quan đến việc đấu thầu thuốc, hóa chất và việc “mượn máy” xét nghiệm của công ty dược đặt trong bệnh viện. Trong khi, máy của bệnh viện chỉ bị hỏng nhẹ nhưng giám đốc không cho sửa, không cho mua hóa chất nhằm tạo điều kiện cho máy đi mượn được hoạt động hết công suất nhằm tăng tỷ lệ ăn chia.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những nội dung sai trái này.

Cẩm Quyên