- Sau cơn dông lớn tại Hà Nội làm dấy lên nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng công tác cảnh báo chậm trễ khiến người dân không kịp trở tay. VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương để làm rõ những thắc mắc của dư luận.

Thiết bị lạc hậu, khó cảnh báo

- Ông đánh giá thế nào về cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội? Cơn dông mạnh như vậy đã từng xuất hiện tại Hà Nội hay chưa?

Trong nhiều năm trở lại đây, có thể nói đây là trận mưa dông có cường độ mạnh nhất xảy ra tại Hà Nội.

Gió giật ở khu vực nội thành đo được tại trạm Láng - Hà Nội là 20m/s (cấp 8), lượng mưa đo được là 16.8mm; gió giật ở trạm Hà Đông là 21m/s (cấp 9), lượng mưa đo được là 24.6mm.

Tuy nhiên, ở những nơi không có trạm quan trắc để ghi lại số liệu, rất có thể đã xảy ra những cơn lốc với gió giật còn mạnh hơn các giá trị ghi nhận được.

{keywords}
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương - Ảnh: Khám phá

- Xin được hỏi, tại thời điểm đăng thông tin cảnh báo trên website (16h15), trung tâm có tính toán trước được cường độ cơn dông? Vì nếu biết trước được mức độ nguy hiểm của cơn dông sẽ giúp người dân trú tránh an toàn hơn?

Việc xác định cường độ của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nói chung và của một cơn dông nói riêng đặc biệt khó khăn, những khó khăn này bắt nguồn từ việc những hiện tượng thời tiết nguy hiểm này xảy ra trong một phạm vi rất hẹp, thời gian xảy ra ngắn.

Hơn nữa, những quá trình vật lý khí quyển xảy ra trong một quy mô không gian và thời gian nhỏ hẹp như vậy đang là bài toán rất khó đối với khoa học công nghệ hiện nay.

Ngoài ra, mạng lưới quan trắc khí tượng của Việt Nam còn thưa, hệ thống radar thời tiết ở miền Bắc lạc hậu. Do đó, việc cảnh báo, ước lượng cường độ dông của ta còn gặp nhiều khó khăn.

Cảnh báo chưa đến được rộng rãi cộng đồng

- Với cơn dông đặc biệt như vừa qua, theo tìm hiểu của VietNamNet, phía VOV cũng không hề nhận được bản tin của trung tâm fax sang nên khi cơn dông ập đến họ cũng khá bất ngờ. Trong khi đây là kênh cung cấp thông tin trực tiếp cho hàng triệu người dân đang di chuyển trên đường.

Vậy xin được hỏi trung tâm có cơ chế cung cấp thông tin với những cảnh báo thời tiết diễn biến đặc biệt như vừa qua không? Nếu có thì phòng chuyên môn nào sẽ phụ trách cung cấp và những cơ quan báo chí nào sẽ được gửi?

Ngay sau khi phát tin cảnh báo mưa dông kèm khả năng gió giật mạnh, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã cập nhật thông tin lên website tại địa chỉ www.nchmf.gov.vn và www.kttv.gov.vn.

{keywords}
Cây đổ ngổn ngang trên phố Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: Phạm Hải

Ngoài ra trước đó trong bản tin gửi cho Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và nhiều cơ quan khác trong chiều ngày 12/6 đã dự báo sớm cho khu vực Hà Nội là “Tối nay (tức tối 12/6) và chiều tối mai (tức chiều tối 13/6) có mưa dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh”.

Đó là bản tin dự báo, sau đó Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương tiếp tục theo dõi và đến 16h15 ngày 13/6 thì ra bản tin cảnh báo khi phát hiện ra đám mây dông di chuyển về phía Hà Nội.

Hàng ngày VOV giao thông đều chủ động kết nối tới Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương để các Dự báo viên của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương trả lời trực tuyến các thông tin dự báo thời tiết.

Hình thức này duy trì nhiều năm nay và không phải dạng gửi bản tin qua Fax. Cụ thể, VOV giao thông đã kết nối với dự báo viên của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương vào lúc 17h10 và 19h10 ngày 13/6.

- Mục đích cuối cùng của việc cảnh báo là thông tin phải đến được với người dân kịp thời. Qua cơn dông vừa qua, trung tâm đánh giá như thế nào về quy trình này, thưa ông?

Qua trận mưa dông vừa rồi có thể thấy bản tin cảnh báo dông kèm gió giật mạnh chưa được biết đến rộng rãi trong cộng đồng.

Trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và đưa ra những bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm nói chung và những trận dông, lốc nói riêng.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để thông tin sẽ được truyền tải đi rộng rãi và được nhiều người biết đến, đáp ứng được công tác phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hạnh (thực hiện)