Theo Bộ TN&MT, cơ quan này đang thực hiện nhiệm vụ theo QĐ số 1188 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc tổng kết thi hành Luật Đất đai sẽ tập trung ở các nội dung cơ bản: đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập.

{keywords}
Nhiều bất cập trong quản lý đất, giao đất... khiến nhiều dự án bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất

Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, công tác tổng kết tình hình thực thi Luật Đất đai 2013 sẽ tổng hợp, báo cáo từ tháng 10/2021; tiến trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ tiến hành hết năm 2021.

Luật Đất đai 2013 còn nhiều bất cập

Theo Bộ TN&MT, sau hơn 6 năm thực thi Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi...

Các địa phương cơ bản đã lập được hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đồng bộ giữa bản đồ địa chính với thông tin đăng ký, cấp Giấy chứng nhận. Một số địa phương đã vận hành cơ sở dữ liệu địa chính, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu.

{keywords}
Việc thi hành Luật Đất đai 2013 đã có nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập

Việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ  và giúp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai so với giai đoạn trước giảm 38%; số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 58%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Đất đai 2013 cũng bộc lộ những bất cập.

Báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố của Bộ TN&MT cho thấy, việc tổ chức thi hành pháp luật đất đai chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều điểm hạn chế.

Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh… chưa chặt chẽ.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ, còn bị lợi dụng.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, một số đạo luật mới được ban hành như Luật Quản lý tài sản công, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công, Luật Lâm nghiệp… đã có các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thi hành luật.

Những vấn đề sẽ được nghiên cứu sửa đổi

Bộ TN&MT cho rằng, cần nghiên cứu các nhóm vấn đề chính trong Luật Đất đai sửa đổi thời gian tới.

Các vấn đề tạm thời được xác định gồm chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và vấn đề an ninh lương thực; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư...

Chính sách thuế, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và đất đã giao, cho thuê đối với doanh nghiệp nhưng lại bỏ hoang; việc xây dựng khung giá đất theo giá thửa đất chuẩn của vùng giá trị; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, vừa không tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài…

Ngoài ra, chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hạn mức để xây dựng cơ sở thờ tự, cho thuê đất đối với trường hợp tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích như xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa được phép hoạt động.

Những nội dung này đều là vấn đề lớn mang tính cốt lõi trong quản lý và sử dụng đất đai, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và tác động trực tiếp đến các tầng lớp trong xã hội, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện.

Để giải quyết một số vướng mắc phát sinh, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Nghị định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai…

Chủ tịch QH: Không được lùi sửa luật Đất đai vô thời hạn

Chủ tịch QH: Không được lùi sửa luật Đất đai vô thời hạn

Chủ tịch QH thống nhất với việc lùi sửa luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2019 nhưng cũng lưu ý "không phải lùi vô thời hạn".

Thái Bình