- Trước khả năng hàng triệu kiều bào mất quốc tịch do hạn chót 1/7 cận kề, các cơ quan chức năng đang rà soát các vấn đề liên quan đến thủ tục giữ quốc tịch để có giải pháp tối ưu.


Thông báo trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay 17/4 cho thấy có hướng giải pháp cho việc đăng ký giữ quốc tịch gốc của kiều bào.

{keywords}
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình

Chiểu theo luật Quốc tịch 2008, 1/7 tới là hạn chót để người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật có hiệu lực (1/7/2009) thì phải đăng ký giữ quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Quy định áp trong thực tiễn 5 năm qua đã trở thành vấn đề khi cận hạn chót, chỉ có khoảng 6 nghìn người đăng ký giữ quốc tịch trên tổng số 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Hiện nay các cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát các vấn đề liên quan đến thủ tục giữ quốc tịch theo luật, đề ra các giải pháp tối ưu phù hợp với thực tiễn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - ông Bình cho hay.

Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc cho hay, đối với tất cả người Việt Nam ở nước ngoài, ai cũng nghĩ mình là người Việt Nam và tự thấy có bổn phận và trách nhiệm với đất nước.

Theo ông, vấn đề đăng ký giữ quốc tịch chưa hợp tình hợp lý.

Ông cho biết, mục đích của ông về Việt Nam là để góp sức xây dựng đất nước phát triển.

Nhưng nếu sự hiện diện của những người như tôi là không cần thiết thì tôi sẽ về Úc.

"Nước ngoài nhìn người Việt Nam rất khác so với mình nhìn mình, nó liên quan đến tự hào dân tộc, tự hào dân tộc cho nên người ta mới có quốc tịch", ông Vọng tâm sự.

Xác định đây là vấn đề về lâu dài, ông mong muốn phải làm sao cho hợp tình hợp lý, cần cân nhắc nhiều khía cạnh.

H.Nhì