- Lần thứ ba trình ra, dự thảo luật Hộ tịch - dự luật có số phận “hẩm hiu” như Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường miêu tả - vẫn chưa thuyết phục hoàn toàn UB Thường vụ QH.

>> Giấy gì cũng giữ mà bảo cải cách hành chính cho dân!

Ông Hà Hùng Cường vẫn rất lạc quan với hai điểm mà Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan tâm đắc nhất trong dự thảo luật này là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân.

“Cơ sở dữ liệu quốc gia này sẽ là duy nhất và trung tâm, chia sẻ với tất cả các cơ sở dữ liệu khác, phục vụ công việc của tất cả các cơ quan nhà nước và người dân”, Bộ trưởng Tư pháp nói. “Vì việc này liên quan nhiều đến an ninh trật tự xã hội nên Bộ Công an vẫn thống nhất quản lý cả cơ sở dữ liệu quốc gia này và việc cấp mã số định danh cá nhân”.

{keywords}
Các thủ tục hộ tịch hiện vẫn phức tạp vì "đang trong thời kỳ quá độ", theo Bộ trưởng Tư pháp. Ảnh minh họa: Minh Thăng 

Theo mô tả của Bộ trưởng Hà Hùng Cường thì sau này mỗi khi có một em bé sinh ra và được cha mẹ đưa đi làm giấy khai sinh thì sẽ có ngay một mã số định danh cá nhân gồm 12 con số, đồng thời có thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ cần có mã số là cơ quan công an có thể như các nước “bấm nút” là nắm được hết thông tin về công dân.

Nghe vậy Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cẩn thận hỏi lại “thế sao mà giờ việc đi làm thủ tịch về hộ tịch của dân cư vẫn phức tạp thế, giấy tờ đơn giản mà cả tháng trời chưa xong”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận những gì ông miêu tả là viễn cảnh của năm 2020, còn hiện nay các công việc về hộ tịch vẫn “đang trong thời kỳ quá độ”.

“Hiện quản lý hộ tịch đang kém, quản lý các lĩnh vực liên quan khác đang bị chia cắt, nhiều giấy tờ công dân như bằng cấp, thẻ, kể cả hồ sơ cán bộ... vẫn còn sai khác so với hộ khẩu, giấy khai sinh là những giấy tờ gốc”, ông Cường nói.

Một nguyên nhân nữa là phần lớn công tác hộ tịch hiện đang làm thủ công nên vẫn còn gây khó khăn, chậm trễ, phiền hà cho dân.

Nguyên nhân nữa được Bộ trưởng nhấn mạnh là “phần lớn cán bộ hộ tịch tư pháp cấp xã không có đủ trình độ: Nhiều người không học ĐH, thậm chí trung cấp, vì học hết cấp ba thi không đỗ, được bố trí vào bộ phận hộ tịch để chờ đi học".

Theo ông Cường, để có một nền hành chính hiện đại chuyên nghiệp, phải có quy chuẩn về cán bộ quy định ngay trong luật.

Cũng chính vì “thời kỳ quá độ” này mà ông Hà Hùng Cường vẫn chưa trả lời được thấu đáo câu hỏi mà UB Thường vụ QH đặt ra từ lần trình đầu tiên: “Sẽ giảm được bao nhiêu giấy tờ mà công dân phải mang theo người?”

Nhưng thấy dự luật “có số phận hẩm hiu” này cuối cùng cũng được UB Thường vụ QH đồng ý đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp tới, Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất mừng. Ông khẳng định khi luật ra đời và thực thi, từ sau năm 2020 việc quản lý dân cư sẽ rất đơn giản.

Chung Hoàng