Trả lời về việc sáp nhập huyện, xã tại họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ chiều nay, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, phương án tổ chức sắp xếp cán bộ dôi dư là một trong những nội dung các địa phương gặp khó khăn.

Trong các đề án gửi Bộ Nội vụ, các địa phương đều xây dựng lộ trình, phương án cụ thể để tổ chức sắp xếp. Đề án nào chưa có lộ trình, phương án cụ thể thì Hội đồng thẩm định liên ngành yêu cầu địa phương bổ sung.

{keywords}
Ông Nguyễn Hữu Thành

"Các khó khăn liên quan đến cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu đề xuất với Ban Tổ chức TƯ tháo gỡ theo kiến nghị của các địa phương", ông Thành nói.

Theo ông, phương án sắp xếp cán bộ dôi dư do địa phương xây dựng, TƯ chỉ hướng dẫn về chế độ chính sách liên quan. Cụ thể, việc sắp xếp cán bộ công chức dôi dư thực hiện theo chính sách tinh giản biên chế tại 3 Nghị định 108 và 103, 26.

Ngoài ra còn có quy định thêm đối với trường hợp sau khi tinh giản biên chế vẫn dôi dư thì được sắp xếp giảm dần theo lộ trình 5 năm, rồi tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho những người thôi việc bằng tiền ngân sách địa phương.

Một số bộ chưa thực hiện tốt chức trách

Về tiến độ sắp xếp huyện xã, ông Thành cho biết đến nay, Bộ Nội vụ nhận được 44/46 phương án tổng thể về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC). Phương án chưa được gửi còn 2 đơn vị (Cần Thơ và TP.HCM).

“Chúng tôi đã đôn đốc địa phương sớm hoàn thành phương án tổng thể”, ông Thành nói.

Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến đối với phương án tổng thể, các địa phương về xây dựng đề án lấy ý kiến nhân dân và thông qua HĐND các cấp, hiện Bộ đã nhận được 19 đề án chính thức, trong đó thẩm định 12, còn 7 đề án sẽ thẩm định trong thời gian tới.

"Những địa phương chậm so với tiến độ đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin được lùi thời gian. Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu các địa phương sớm tổ chức triển khai thực hiện, thời gian lùi cũng không quá 2 tháng", Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết. 

Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng nêu, một số bộ chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Cụ thể, Bộ TN&MT chưa cung cấp các số liệu về diện tích tự nhiên theo quy định cho Bộ Nội vụ và một số địa phương, dẫn đến sự lúng túng trong quá trình rà soát việc sắp xếp và thẩm định của Hội đồng thẩm định.

Bên cạnh đó, một số địa phương khi sáp nhập cần có văn bản rà soát, đánh giá về tiêu chuẩn loại đô thị của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng chậm có ý kiến, trong khi địa phương phải thực hiện các bước như lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp và trình Chính phủ trước ngày 31/8.

Bộ Nội vụ cũng cho biết, đối với hồ sơ đề án của UBND TP Hải Phòng, sau khi tiến hành sắp xếp, vẫn còn nhiều ĐVHC phường mới hình thành có quy mô diện tích rất nhỏ nên đã không được Hội đồng thẩm định bỏ phiếu thông qua.

Hội đồng đã đề nghị Hải Phòng rà soát, nghiên cứu lại các phương án sắp xếp.

Phương án sáp nhập huyện, xã trên cả nước

Phương án sáp nhập huyện, xã trên cả nước

Giai đoạn 2019 - 2021, cả nước có 20 đơn vị hành chính cấp huyện và 623 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập để giảm 4 huyện và 539 xã.

Thu Hằng