- Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 có tổng kinh phí hơn 500 triệu USD sẽ xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 trước khi thải ra môi trường...

Ngày 22/2, trao đổi với PV VietNamNet, ông Vương Hải Long - Trưởng Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, giai đoạn 2 cho biết: theo kế hoạch, vào ngày 24/2 tới, đơn vị sẽ tổ chức khởi công gói thầu “thi công tuyến cống bao” thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP, giai đoạn 2.

{keywords}
Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè hồi sinh sau khi thực hiện dự án vệ sinh môi trường nước TP HCM giai đoạn 1 

Theo ông Long cho biết, đây là một hạng mục quan trọng của dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 nhằm kết nối với tuyến cống lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 1 đã thi công xong để dẫn nước thải từ các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh về nhà máy xử lý nước thải đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2.

“Khi thi công cống bao, nhà máy xong sẽ xử lý toàn bộ nước thải lưu vực kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Do đó, sẽ không còn tình trạng xả thải trực tiếp nước bẩn ra môi trường. Khi đó nước thải qua nhà máy xử lý đạt quy chuẩn loại A rồi mới thải ra sông Sài Gòn. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai”- ông Long cho hay.

Trưởng Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM cũng thông tin thêm, dự án về nước thải lớn nhất tại Việt Nam được ngân hàng thế giới tài trợ. Tổng kinh phí thực hiện dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 là hơn 500 triệu USD (tương đương hơn khoảng 11.000 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.

Trước đó, dự án vệ sinh môi trường nước TP HCM giai đoạn 1 (lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) với tổng số vốn đầu tư hơn 300 triệu USD cũng từ nguồn vốn của WB đã hoàn thành vào tháng 8/2012. Hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 người đã chấp nhận di dời, giải tỏa và tái định cư phục vụ cho dự án.

Công trình giai đoạn một đã thi công được hơn 9 km tuyến cống bao có đường kính từ 2,5 đến 3 m cùng 36 giếng chính và 59 thiết bị tách dòng để thu nước dọc kênh, một trạm bơm công suất 64.000 m3/h. Công trình cũng lắp đặt gần 16 km bờ kè đứng bằng cừ bản bêtông dự ứng lực và nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, gia cố 16 cây cầu dọc tuyến kênh...

Tuấn Kiệt