Sở Xây dựng vừa có báo cáo UBND TP.HCM về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Xây dựng, chương trình giảm ngập của TP trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện bộ mặt của TP.

Thống kê năm 2008, TP tồn tại 126 điểm ngập, trong đó có 85 điểm ngập vùng trung tâm và 41 điểm ngập vùng ngoại vị.

{keywords}
Sở Xây dựng đánh giá tình hình ngập TP.HCM đã giảm nhiều

Đến đầu năm 2011, TP đã xóa, giảm từ 126 điểm xuống còn 58 điểm (giảm 53,97%) với 31 điểm vùng trung tâm và 27 điểm ngập vùng ngoại vi. Cuối năm 2015, TP còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa và 23 tuyến đường ngập được xử lý bằng giải pháp cấp bách trước đây, cần tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP định hướng giải quyết 36/40 tuyến đường trục chính và 179 tuyến hẻm, đường nhánh.

Đến cuối năm 2020, TP đã giải quyết được 22/40 tuyến đường trục chính (đạt 55%) và 179 tuyến hẻm, đường nhánh (đạt 100%); ngoài ra hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước các tuyến đường chính.

Các tuyến đường mà trước đây xem là ‘rốn ngập’ như khu vực vòng xoay Cây Gõ, đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khai, Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chân, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Bình Thới, Bến xe Chợ Lớn, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Thị Nghè), Kinh Dương Vương, Lê Lai (Q.1), Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt… đã không còn ngập nước.

Về xóa giảm triều cường, năm 2008 TP có 95 tuyến đường ngập do triều; đến 2015 còn 9 tuyến đường; đến cuối 2020, TP giải quyết được 5/9, tuyến đường trục chính.

{keywords}
Ngập nước khiến cuộc sống sinh hoạt người dân TP.HCM bị đảo lộn

Sắp khởi công 12 dự án chống ngập

Sở Xây dựng cho biết kế hoạch 8 tháng cuối năm nay, TP sẽ khởi công 12 dự án, trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường.

TP Thủ Đức có 3 dự án lớn được khởi công gồm dự án đường số 8 (phường Phước Bình), lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường với tổng vốn 120 tỉ đồng; dự án lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ đường 990 đến cầu Võ Khế, tổng mức đầu tư lên đến 300 tỉ đồng; dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai (từ đường Lê Văn Việt đến đường 102) với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỉ đồng.

Tại quận 11, TP sẽ triển khai 2 dự án có tổng số vốn hơn 100 tỉ đồng, gồm dự án đường Hàn Hải Nguyên (từ đường Minh Phụng đến đường 3/2), dự án rạch Đầm Sen (từ chùa Giác Viên đến kênh Tân Hóa).

Quận 6 có một dự án 100 tỉ đồng là dự án đường Lý Chiêu Hoàng (từ đường Nguyễn Trãi đến đường Phan Chu Trinh).

Quận 5 khởi công dự án đường Triệu Quang Phục (từ đường Hồng Bàng đến đường Hải Thượng Lãn Ông) lắp đặt cống hộp, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường, tổng vốn đầu tư gần 61 tỉ đồng.

Quận 12 có dự án đường Tô Ký (từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Trung Mỹ Tây) gần 78 tỉ đồng.

Huyện Nhà Bè sẽ triển khai dự án đường Nhơn Đức - Phước Lộc (từ đường Lê Văn Lương đến đường Đào Sư Tích).

Huyện Hóc Môn có dự án đường Dương Công Khi (đoạn từ quốc lộ 22 đến cây xăng dầu COMECO).

Huyện Củ Chi có dự án đường hương lộ 2 (từ quốc lộ 22 đến đường Hồ Văn Tăng).

Ngoài 11 dự án này, TP cũng sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có giá trị 307 triệu USD. Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2).

{keywords}
Sở Xây dựng đưa mục tiêu hoàn thành dự án chống ngập gần 10.000 tỷ trong năm 2021

Từ nay đến cuối năm, Sở Xây dựng xác định kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập, xử lý nước thải đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu trên địa bàn TP.

Trong đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 dự án giải quyết dứt điểm 3/18 điểm ngập gồm đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân.

Hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn một), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Công trình giúp kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án khi hoàn thành giúp giải quyết 3 điểm ngập do triều, gồm: đường Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7) và quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè).

Sở Xây dựng cho biết mục đích của giai đoạn tới sẽ giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 2016-2020, tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm TP rộng 106,41km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.
Để thực hiện giải pháp công trình, Sở Xây dựng cho biết nhu cầu vốn cần hơn 101.000 tỉ đồng để triển khai thực hiện các dự án đến năm 2025.
Theo đó, các dự án thuộc Quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) cần hơn 38.100 tỉ đồng. Các dự án thuộc Quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM) cần hơn 20.600 tỉ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải cần 41.000 tỉ đồng, các chương trình đầu tư công hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng hơn 1.700 tỉ đồng.

 

Đường Nguyễn Hữu Cảnh sắp xong, dân hối hả xây 'tường đê' chống ngập

Đường Nguyễn Hữu Cảnh sắp xong, dân hối hả xây 'tường đê' chống ngập

Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh gần 500 tỷ đang chạy nước rút để xong trước 30/4 cũng là lúc nhà dân bên đường hối hả xây 'tường đê' chống ngập.

Tuấn Kiệt