- 4 máy đo thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng kiểm dịch quốc tế trên 30 người, tất cả bệnh viện sẵn sàng khu vực điều trị cách ly, đội phản ứng nhanh vào cuộc để đối phó bệnh MERS-Cov.

Dịch hô hấp cấp nguy hiểm như SARS có thể xâm nhập VN

Bộ Y tế quan ngại, trước tình hình giao lưu, đi lại giữa Việt Nam – Hàn Quốc rất lớn, việc lây nhiễm MERS-Cov vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Tăng cường giám sát ở 3 kênh

Các trường hợp xác định bị nhiễm bệnh MERS-Cov (một bệnh đường hô hấp cấp nguy hiểm) vừa được công bố tại Trung Quốc và Hàn Quốc làm dấy lên nỗi lo ngại dịch bệnh này có thể thâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào.

Ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM đã tăng cường triển khai ráo riết các biện pháp phòng, chống dịch MERS-Cov nói riêng và các dịch bệnh hô hấp cấp nguy hiểm nói chung.

{keywords}
Bác sĩ Hưng cho biết Sở Y tế đang tăng cường phòng chống dịch

“Với bối cảnh giao lưu quốc tế như hiện nay Việt Nam hoàn toàn có thể bị MERS-Cov xâm nhập nên các biện pháp triển khai có mục đích ngăn chặn, phát hiện, xử lý, điều trị kịp thời ca bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại…”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định.

Theo bác sĩ Hưng, hội chứng MERS-Cov được phát hiện ở Trung Đông từ năm 2012. Tới năm 2014 Sở Y tế TP.HCM đã bắt đầu triển khai các công tác phòng, chống căn bệnh này.

Theo số liệu mới nhất, cả thế giới đã có 1.154 ca mắc MERS-Cov tại 26 nước. Trong đó 434 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong khoảng 40%), chủ yếu tại Trung Đông và bệnh đang có tốc độ lây lan rất nhanh.

Người mắc MERS-Cov bệnh cảnh như bệnh viêm đường hô hấp cấp, sốt, ho, tức ngực. Ngoài ra bệnh nhân còn có dấu hiệu đường tiêu hóa như: tiêu chảy, suy tạng, và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Thời gian ủ bệnh là 14 ngày.

Hiện chưa có vắc – xin và thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh MERS-Cov. Bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng, chăm sóc nâng đỡ thể trạng.

Bệnh MERS-Cov có thể diễn tiến nặng ở người già, hay những người suy giảm miễn dịch.

Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM đang triển khai phòng, chống dịch MERS-Cov theo 3 hướng.

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh tăng cường giám sát ở 3 kênh: sân bay/cảng biển (chủ yếu là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất), bệnh viện và y tế cộng đồng.

“Ở sân bay chúng tôi vẫn duy trì 4 máy đo thân nhiệt. Lực lượng kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất có trên 30 người ứng trực, giám sát các hành khách về từ vùng dịch như Tây phi (Ebola) và các nước Trung Đông hay các nước đã phát hiện ca mắc bệnh MERS-Cov”, bác sĩ Hưng nói.

Thủ tục tờ khai y tế đối với các du khách từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, nhân viên y tế thuộc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế luôn trong trạng thái sẵn sàng hóa chất, trang bị khử khuẩn, cách ly nếu máy bay có hành khách nghi ngờ nhiễm bệnh.

Đối với công tác triển khai phòng chống dịch từ hướng bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là nơi tiếp nhận, điều trị khi phát hiện ca nhiễm MERS-Cov. Bệnh viện Nhi Đồng 1, và Nhi Đồng 2 cũng sẽ vào cuộc trong trường hợp ca nhiễm MERS-Cov là trẻ em.

Các bệnh viện sẵn sàng

Tuy nhiên, ngoài 3 bệnh viện nêu trên, tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP. đều phải chủ động chuẩn bị sẵn một khu vực điều trị cách ly riêng cho bệnh nhân nghi ngờ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Bác sĩ Hưng nhấn mạnh: “Giám sát từ bệnh viện rất quan trọng. Nếu bệnh nhân đến khám có các triệu chứng viêm đường hô hấp nặng, khai thác có yếu tố dịch tễ thì ngay lập tức phải cách ly, điều trị đúng quy trình, không để tình trạng lây chéo xảy ra. Bởi kinh nghiệm từ các ca nhiễm MERS-Cov trên thế giới cho thấy 75% lây từ người qua người. Đối tượng bị lây nhiễm là những ai tiếp xúc gần với bệnh nhân, trong đó có cả nhân viên y tế.”

Du khách sẽ được phát tờ rơi khi vừa đáp máy bay đến TP.HCM, qua đó được tuyên truyền, khuyến cáo về bệnh MERS-Cov.

{keywords}
Đo thân nhiệt, giám sát các trường hợp có biểu hiện bất thường tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hành khách về từ vùng dịch hoặc từng tiếp xúc với người có các biểu hiện mắc bệnh sẽ được hướng dẫn tự theo dõi tại địa phương trong 14 ngày, đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi có biểu hiện bất thường để được cách ly, điều trị sớm.

Ngoài các biện pháp đang triển khai nói trên, Sở Y tế còn tổ chức tập huấn để cập nhật thông tin mới nhất về bệnh MERS-Cov cho cán bộ y tế.

Đặc biệt, Sở còn kiện toàn lại lực lượng cơ động phòng chống dịch, tất cả phải trong tư thế sẵn sàng (mỗi quận/huyện có từ 1 – 2 lực lượng cơ động).

Theo bác sĩ Hưng, quan trọng nhất là phải ngăn chặn bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Trước diễn tiến phức tạp như hiện nay, người dân nên hạn chế đến các quốc gia có bệnh. Mọi người cần phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi. Phải rửa tay bằng xà bông, che miệng khi ho, hắt hơi.

“Nếu người dân nhận thức tốt và hợp tác, tôi tin với các biện pháp, sự chuẩn bị của ngành y tế chúng ta sẽ hạn chế được thấp nhất thiệt hại nếu có ca bệnh xảy ra”, bác sĩ Hưng nói.

Tại Đà Nẵng, chiều 3/6, PGĐ Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, đã thực hiện việc kê khai y tế đối với hành khách đến từ những vùng có dịch hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV).

Theo Cảng vụ hàng không Quốc tế Đà Nẵng, bình quân mỗi tuần Đà Nẵng đón 22 chuyến bay đến từ Hàn Quốc. Tất cả hành khách quốc tế đến sân bay Đà Nẵng đều được giám sát y tế của cán bộ Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế đặt tại sân bay Đà Nẵng.

“Mặc dù dịch MERS-CoV chưa xuất hiện ở Việt Nam, và dịch không giống như Ebola, nhưng ngành y tế Đà Nẵng đã đồng loạt triển khai các biện pháp cần thiết để giám sát chặt, phát hiện sớm nếu có dịch bệnh xảy ra để kịp thời ứng phó” - bà Yến nhấn mạnh.

Theo bà Yến, việc giám sát y tế không chỉ tại sân bay, cảng biển mà ngay cả trong cộng đồng, không loại trừ trường hợp dịch bệnh theo đường bộ vào Đà Nẵng.

Ngày mai (4/6), ngành sẽ họp với toàn bộ lực lượng y tế dự phòng để triển khai nhiệm vụ phòng dịch. Công tác dự phòng sẽ tiến hành song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra sao cho nhanh nhất. 

Để tăng cường phòng, chống lây nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp do vi rút MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam, Cục Hàng không VN vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng chống, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bị bệnh, trường hợp nghi ngờ nhiễm.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hành khách đi máy bay từ vùng có dịch vào Việt Nam.

Đối với các Cảng vụ Hàng không khu vực, Cục Hàng không yêu cầu cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng, chống dịch của ngành Y tế, Công an, Hải quan kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hành khách đi máy bay từ vùng có dịch vào Việt Nam, đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật về hàng không, kiểm dịch y tế để hạn chế tối đa việc lây, nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp do vi rút MERS-CoV.

Tổng Công ty cảng hàng không VN cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai việc tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức tốt việc phân tuyến và thu dung điều trị đối với các hành khách đi tàu bay nghi ngờ lây nhiễm.

Các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không địa phương phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch y tế để triển khai công tác kiểm tra, giám sát hành khách đi máy bay nhằm ngăn chặn sự lây, nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp do vi rút MERS-CoV.

Vũ Điệp

Thanh Huyền - Vũ Trung